Chính trị

Đắk Nông lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp

PV 14/05/2025 07:20

Người dân tỉnh Đắk Nông đồng thuận, mong muốn việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 sẽ góp phần nâng cao vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên cũng như xây dựng bộ máy chính quyền gần dân, sát dân, vì dân phục vụ.

Phát huy quyền dân chủ của Nhân dân

Mỗi khi cầm điện thoại, ông Đinh Văn Năm, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa đều dành vài phút truy cập vào ứng dụng VNeID để theo dõi thông tin cá nhân và các thông báo được gửi đến. Lần này, ông vào VNeID còn nhằm mục đích khác là theo dõi Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Ông Năm cho biết: “Tôi có thói quen mỗi khi cầm điện thoại là vào ứng dụng VNeID và lướt xem tin tức. Khi thấy báo chí thông tin về lấy ý kiến Nhân dân thông qua ứng dụng VNeID, tôi lập tức mở vào xem. Theo tôi, việc lấy ý kiến qua ứng dụng này rất tiện lợi, phù hợp mọi đối tượng. Chỉ cần mở ứng dụng lên và làm theo hướng dẫn là dễ dàng tìm thấy tài liệu và bày tỏ ý kiến của mình”.

dsc02966.jpg
Ông Đinh Văn Năm, phường Nghĩa Trung, Gia Nghĩa mong muốn, việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 sẽ góp phần nâng cao vai trò, vị thế của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị và Nhân dân

Qua theo dõi Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được đăng tải trên ứng dụng VNeID, ông Năm thấy rằng, dự thảo lần này thay đổi nhiều nội dung liên quan đến MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Là những tổ chức gần dân, sát dân nhất, việc sửa đổi lần này sẽ góp phần nâng cao vai trò, vị thế của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị và Nhân dân.

Cũng như ông Năm, ông Nguyễn Văn Hưng, phường Nghĩa Trung là người luôn theo dõi, nắm bắt các thông tin liên quan đến các vấn đề của đất nước. Đặc biệt, kể từ khi Trung ương có chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cấp đến nay, ngày nào ông Hưng cũng dành thời gian đọc báo, xem thời sự.

dsc02979.jpg
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được đăng tải trên ứng dụng VneID giúp người dân dễ dàng tiếp cận, theo dõi và trực tiếp đóng góp ý kiến

Ông Hưng cho rằng, việc Quốc hội lấy ý kiến Nhân dân góp ý vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thể hiện sự tôn trọng và phát huy quyền dân chủ của Nhân dân trước các vấn đề hệ trọng của đất nước.

“Việc lấy ý kiến Nhân dân lần này đã khẳng định tinh thần lắng nghe dân, tôn trọng dân trong xây dựng tổ chức, bộ máy hành chính các cấp của Quốc hội. Tôi mong rằng, với sự thay đổi này, hệ thống MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội sẽ ngày càng phát huy được vai trò của mình trước Đảng, trước Nhân dân, nhất là tập hợp Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững bền; đồng thời, chính quyền địa phương 2 cấp sẽ hoạt động ngày càng mạnh hơn, thực sự là của dân, do dân và vì dân”, ông Hưng chia sẻ.

Không riêng ông Năm, ông Hưng, những ngày gần đây, vấn đề sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 luôn được cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong tỉnh Đắk Nông quan tâm. Không chỉ thông qua ứng dụng VNeID, cán bộ, người dân còn theo dõi, góp ý trực tiếp qua các phương tiện thông tin đại chúng khác với mong muốn phát huy quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người công dân với đất nước, dân tộc trong việc sửa đổi Hiến pháp.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong lấy ý kiến Nhân dân

Để việc lấy ý kiến Nhân dân được rộng rãi, hiệu quả, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Văn bản số 2910/UBND-NC về việc triển khai Kế hoạch số 05/KH- UBDTSĐBSHP ngày 5/5/2025 tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013.

UBND tỉnh yêu cầu các cá nhân có thể góp ý kiến trực tiếp trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật hoặc gửi ý kiến bằng văn bản gửi đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp.

dsc02971.jpg
Các cá nhân có thể góp ý kiến trực tiếp trên ứng dụng VNeID hoặc trên các trang thông tin điện tử

Các cơ quan, tổ chức, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, yêu cầu tiến độ, tình hình thực tế chủ động lên kế hoạch tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến đối tượng thuộc phạm vi quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học.

UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân bằng các hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Việc lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp được thực hiện với các hình thức đa dạng, thích hợp, linh hoạt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với thực tế ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp Nhân dân tham gia góp ý.

Quá trình tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm.

Ý kiến đóng góp của Nhân dân, các ngành, các cấp phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và phải được nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc, làm cơ sở cho việc hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Ảnh chụp màn hình (9)
Người dân có thể theo dõi toàn văn, tài liệu và góp ý trực tiếp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Liên quan vấn đề này, tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 4/2025, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hoàng Mạnh Thắng đề nghị, trong tháng 5/2025, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các cơ quan báo chí, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử các sở, ngành nghiên cứu, mở chuyên trang, chuyên mục đặc biệt về lấy ý kiến Nhân dân đóng góp vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Công tác tuyên truyền kịp thời phản bác, đấu tranh, ngăn chặn các âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 dự kiến sửa đổi 8 điều về chế độ chính trị, Quốc hội và chính quyền địa phương. Về các quy định tại Chương 9 về chính quyền địa phương, dự thảo nghị quyết đã bỏ quy định về đơn vị hành chính cấp huyện, sửa đổi thành: các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự thảo nghị quyết cũng nêu rõ, việc sửa đổi Hiến pháp có hiệu lực từ 1/7. Từ ngày có hiệu lực sẽ kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước.

12342-58ee0b3c773f8b55a1af5d84e210431a(1).png
Báo Đắk Nông đăng tải dự thảo nghị quyết sửa đổi Hiến pháp để bạn đọc, người dân theo dõi, đóng góp ý kiến

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn.

ban-sao-cua-mau-infor-cua-phong(1).jpg

Đọc tiếp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO