Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

Đắk Nông lấy ý kiến Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Linh Thư 12/06/2024 - 11:00

Sáng 12/6, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

ADQuảng cáo

Đồng chí Dương Khắc Mai, TUV, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.

img_7522.jpg
Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tổ chức lấy ý kiến góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Dự án Luật gồm 5 phần, 11 chương, 173 điều, với 8 nội dung cơ bản, quy định các nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Dự án Luật cũng đưa ra 11 biện pháp xử lý chuyển hướng, trong đó, có 10 biện pháp xử lý chuyển hướng ở ngoài cộng đồng, 1 biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

img_7534.jpg
Nhiều đại biểu cho rằng các quy định trong luật cần cụ thể, phù hợp với thực tiễn hơn

Phạm vi điều chỉnh của Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm: các quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Tham gia ý kiến vào dự án Luật này, đa số đại biểu đồng tình với sự cần thiết xây dựng dự án luật, việc ban hành Luật Tư pháp đối với người chưa thành niên là phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, theo đại biểu nhiều khái niệm trong dự án luật còn chung chung, cần cụ thể rõ ràng hơn; phạm vi điều chỉnh của luật còn thiếu, chưa bao quát; kết cấu bố cục của 1 số điều luật chưa phù hợp; các biện pháp xử lý chuyển hướng cần cụ thể, phù hợp với thực tiễn hơn.

img_7537.jpg
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho rằng, cần quy định thêm chức năng kháng nghị của viện kiểm sát nhân dân tại khoản 1, điều 34. Tại điều 54, luật cần nêu cụ thể, làm rõ nhân viên, người làm công tác xã hội ở cơ quan, đơn vị nào

Quyền bào chữa là quyền quan trọng nhất là đối với người chưa thành niên nên cần quy định 100% có người bào chữa.

Về Điều khoản quy định nguyên tắc chung, nguyên tắc trong áp dụng xử lý chuyển hướng cần có các quy định tiếp theo dưới luật để việc áp dụng các quy định này được thống nhất, bảo đảm quyền lợi cho người chưa thành niên.

Luật cần quy định thêm chức năng kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tại khoản 1 Điều 34; bỏ cụm từ “Chứng minh nhân dân” do giấy tờ này đã hết giá trị sử dụng khi luật được ban hành và đi vào triển khai.

Luật nêu cụ thể, làm rõ nhân viên, người làm công tác xã hội ở cơ quan, đơn vị nào, cần bổ sung quy định, trình tự cử, bầu người làm công tác xã hội…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Dương Khắc Mai ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu các ý kiến góp ý, các nội dung tham gia vào dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đoàn tổng hợp, xem xét làm cơ sở tham gia đóng góp tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông lấy ý kiến Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO