Đắk Nông lấy người dân làm trung tâm trong xây dựng nông thôn mới

Chấn Hưng - Đặng Dương| 07/12/2024 19:13

Huyện Đắk Mil và Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông đang đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó xác định lấy người dân làm trung tâm, người dân trực tiếp hưởng lợi, với mục tiêu “về đích” trong năm 2025.

Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu tại bon Đắk Láp được Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Nông phối hợp Chi hội nhà báo Phóng viên thường trú, Hội Nhà báo tỉnh Đắk Nông tổ chức bàn giao cuối năm 2023.Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu tại bon Đắk Láp được Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Nông phối hợp Chi hội nhà báo Phóng viên thường trú, Hội Nhà báo tỉnh Đắk Nông tổ chức bàn giao cuối năm 2023.

Với phương châm “dừng lại là rớt chuẩn, chuyển biến chậm sẽ bị loại bỏ phía sau”, chính quyền huyện Đắk Mil xác định lấy người dân làm trung tâm, dựa vào dân để xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để nhân dân hiểu, tích cực tham gia bằng sự đóng góp vật chất, ngày công lao động, tự nguyện hiến đất xây dựng các công trình công cộng, lan tỏa phong trào rộng khắp tại địa phương.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xóm tại Đắk Mil đã được đổ bê-tông khang trang, giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân thuận lợi hơn.

Điển hình, Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Nông phối hợp Chi hội nhà báo Phóng viên thường trú, Hội Nhà báo tỉnh Đắk Nông đã tổ chức bàn giao tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Đắk Nông cho nhân dân bon Đắk Láp, xã Đắk Gằn vào tháng 12/2023. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước 500 triệu đồng, số còn lại được huy động từ nguồn xã hội hóa trong nhân dân. Công trình ngoài đường bê tông, hai bên đường còn được lắp đèn chiếu sáng, trồng cây xanh, treo cờ hoa rực rỡ.

Được thụ hưởng công trình do chính bà con góp sức đầu tư xây dựng, người dân bon Đắk Láp phấn khởi vì có tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn khi tham gia giao thông. Ông Y Kuay Kpơr, bon Đắk Láp cho biết, sau khi biết được chủ trương của Nhà nước đầu tư cho bon một tuyến đường kiểu mẫu, bà con trong bon rất phấn khởi, người có điều kiện thì góp thêm tiền, hộ khó khăn hơn đóng góp ngày công, hiến đất mở rộng đường…Tuyến đường hoàn thành rất rộng, khang trang với hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển, nhất là khi trời tối. Tuyến đường đã góp phần thay đổi diện mạo, tư duy và đời sống của người dân nơi đây.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk Mil Lê Văn Hoàng cho biết, để xây dựng nông thôn mới thành công, trước hết địa phương phải quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động; lồng ghép các nguồn lực đầu tư; chú trọng công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc.

Đặc biệt, qua quá trình triển khai, cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, phải tuân thủ nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm xuyên suốt trong quá trình thực hiện.

Nhờ đó, việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương thời gian qua đạt được kết quả tích cực, người dân luôn đồng tình ủng hộ.

Năm 2024, huyện Đắk Mil đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,14%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,47%. Để đạt được kế hoạch này, Đắk Mil xác định nhiệm vụ quan trọng là thực hiện có hiệu quả các công trình, dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, gắn dạy nghề với giải quyết việc làm, đến nay các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Phát huy kết quả đạt được, trong những năm tiếp theo huyện Đắk Mil tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hiệu quả, dựa vào dân, huy động sức dân cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm đẩy nhanh tiến độ chương trình xây dựng nông thôn mới, đổi mới nông thôn, sớm đạt được mục tiêu huyện nông thôn mới so với kế hoạch.

Tại huyện Đắk R’lấp, để đạt được mục tiêu về đích huyện nông thôn mới vào cuối năm 2025, địa phương đang bước vào giai đoạn “nước rút” thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung các nguồn lực để giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1,52%.

Do không có đất sản xuất nên vợ chồng anh Hoàng Xuân Phán phải đi làm thuê nhiều nơi, ở nhiều địa phương khác nhau để sinh sống. Đến năm 2022, anh Phán được gia đình nhà vợ cho mượn hơn 1ha đất tại thôn 1, xã Đắk Wer để canh tác, từ đó vợ chồng anh Phán ổn định cuộc sống tại địa phương.

Tuy nhiên, do không có vốn đầu tư nên sản xuất kém hiệu quả, sinh hoạt hàng ngày phụ thuộc chủ yếu vào việc đi làm thuê cho người dân địa phương, cả gia đình phải sống trong căn nhà tạm dột nát.

Đến cuối năm 2023, anh Phán được chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm hỗ trợ 100 triệu đồng để làm nhà. Căn nhà cấp 4 được xây mới khang trang, rộng hơn 70m2.

Anh Phán cho biết, so với căn nhà cũ, căn nhà mới to đẹp, rộng và khang trang hơn rất nhiều. Từ khi chuyển về nhà mới để ở, gia đình không còn lo cảnh chạy mưa trong đêm, tâm lý các con thoải mái hơn, có chỗ học tập khang trang hơn.

Có nhà mới, vợ chồng anh Phán cũng có thêm những dự định mới cho tương lai đó là mở rộng diện tích trồng cà phê, trồng thêm một số loại cây mới, đi học nghề để ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất cho năng suất cao hơn.

Cùng với việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, huyện Đắk R’lấp đặc biệt quan tâm đến bảo đảm sinh kế, tạo việc làm để giảm nghèo bền vững. Thời gian qua, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, địa phương đã hỗ trợ cây, con giống, vốn vay đầu tư sản xuất nên nhiều hộ dân đã có điều kiện thoát nghèo.

Ông Nguyễn Trung Hiệp là một trong số 42 hộ nghèo và cận nghèo của xã Kiến Thành được hỗ trợ bò giống. Sau hơn một tháng nuôi, bò giống đã mang thai, tạo niềm tin cho gia đình về tương lai thoát nghèo phía trước. Ông Hiệp cho biết, “khi được nhận bò gia đình rất vui, vì từ trước đến nay chưa nhận được sự hỗ trợ nào giá trị lớn đến vậy. Bây giờ, ngoài công việc chăm sóc cho 5 sào cà phê, hồ tiêu, vợ chồng tôi có thêm công việc mới là chăm sóc bò giống. Nếu bò sinh sản thành công, sang năm tôi sẽ xin thoát nghèo”.

Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo cuối năm 2023, toàn huyện Đắk R’lấp có 468 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,95%. Mục tiêu giảm nghèo năm 2024 của toàn huyện là giảm 0,4% trở lên (tương ứng với số hộ giảm khoảng 100 hộ) để đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn khoảng 1,52%. Giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình đưa huyện Đắk R’lấp về đích nông thôn mới năm 2025.

Để đạt được kế hoạch đề ra, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk R’lấp Võ Thị Kiều Linh cho biết, địa phương sẽ tập trung triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ sinh kế, nhà ở và chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân.

Với phương châm lấy người dân làm trung tâm, người dân trực tiếp hưởng thụ, ngoài nguồn vốn được đầu tư từ ngân sách, địa phương sẽ nhân rộng các mô hình điển hình tạo nên phong trào lan tỏa rộng khắp tại địa phương. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2024, huyện Đắk R’lấp sẽ có thêm một xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tạo cơ sở để huyện về đích nông thôn mới theo kế hoạch.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/dak-nong-lay-nguoi-dan-lam-trung-tam-trong-xay-dung-nong-thon-moi-post849167.html
Copy Link
https://nhandan.vn/dak-nong-lay-nguoi-dan-lam-trung-tam-trong-xay-dung-nong-thon-moi-post849167.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông lấy người dân làm trung tâm trong xây dựng nông thôn mới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO