Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận vươn mình với không gian phát triển mới
Với nhiều tiềm năng, lợi thế, hợp nhất ba tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận sẽ tạo ra nhiều động lực để phát triển các lĩnh vực thế mạnh.
Du lịch thuộc top đầu cả nước
Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cơ cấu hành chính, phát triển vùng theo hướng bền vững, sáp nhập ba tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận đang mở ra một không gian phát triển mới, với nhiều tiềm năng to lớn.
Đây không chỉ là bước đi chiến lược trong điều chỉnh địa giới hành chính, mà còn là cơ hội để hình thành một cực tăng trưởng mới ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
.jpg)
Quyết định 759/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đồng ý hợp nhất tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng có tên gọi là tỉnh Lâm Đồng. Trung tâm hành chính, chính trị đặt tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) hiện nay.
Qua nghiên cứu, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ hội tụ rất nhiều tiềm năng, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững mà ít địa phương nào trong cả nước có được.
Trước hết, phải kể đến lĩnh vực du lịch. Lâm Đồng là địa phương được ghi nhận có tiềm năng du lịch phát triển, với nhiều yếu tố hài hòa giữa rừng và biển. Địa phương sẽ là vùng đất hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng với khách du lịch gần xa.
.jpg)
Nổi bật nhất là thương hiệu du lịch TP. Đà Lạt. Đây là nơi được mệnh danh thành phố tình yêu, với huyền thoại tình sử Langbiang đầy xúc động.
Tiếp đến là Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm vinh dự là khu du lịch quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Nhiều hồ nước nổi tiếng như: Xuân Hương, Tuyền Lâm, Than Thở, Đa Thiện… hiện lên giữa thành phố ngàn hoa xinh đẹp, thu hút đông đảo khách du lịch.
Song song đó, hệ thống Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trải dài trên diện tích 4.760km2, với khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo.
Trong số này, có hệ thống gần 50 hang động, với tổng chiều dài hơn 10.000m. Các miệng núi lửa, thác nước đã tạo nên kiệt tác thiên nhiên luôn thôi thúc du khách tìm về khám phá.
Hồ Tà Đùng có diện tích gần 6.000ha mặt nước, được ví như vịnh Hạ Long trên đại ngàn Tây Nguyên, với nhiều tiềm năng phát triển du lịch xanh.
.jpg)
Cùng với đó, du lịch biển Phan Thiết với hệ sinh thái các điểm du lịch luôn quyến rũ du khách yêu biển như: công viên biển Đồi Dương, lầu Ông Hoàng.
Mũi Né với hàng chục thương hiệu resort nổi tiếng, còn giữ lại những làng chài hoang sơ với nét văn hóa truyền thống. Nơi đây cũng sở hữu rất nhiều đảo hoang sơ thiên nhiên ngàn đời, đặc biệt là Đảo Phú Quý… Tất cả những tiềm năng du lịch tạo cho Lâm Đồng phát triển du lịch xanh theo xu thế toàn cầu.

Đánh giá về du lịch Lâm Đồng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chia sẻ: “Với những tiềm năng, lợi thế, Lâm Đồng có thể bứt phá trong phát triển các loại hình du lịch chất lượng cao, bền vững. Từ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với cộng đồng, du lịch lễ hội - sự kiện, sinh thái, canh nông đến du lịch di sản lịch sử - văn hóa, tự nhiên. Tất cả tạo nên sự riêng biệt riêng có của du lịch địa phương”.
.jpg)
Để phát triển lĩnh vực này, Lâm Đồng cần tập trung chuyển biến mạnh mẽ ngành du lịch từ số lượng sang chất lượng cao, từ du lịch tiêu tiền ít sang du lịch tiêu tiền nhiều.
Địa phương cần có sự kết nối chiều sâu hơn giữa các vùng trong nước và các quốc gia và đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các dự án du lịch quy mô.
Sau khi sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới có diện tích tự nhiên khoảng 24.233 km2 (đứng đầu cả nước). Quy mô dân số của tỉnh 3.324.000 người (đứng thứ 13 cả nước). GRDP của tỉnh có quy mô lên đến 329.870 tỷ đồng (đứng thứ 8 cả nước).
Gần hơn với thủ phủ nhôm quốc gia
Cùng với du lịch, Lâm Đồng hứa hẹn sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế của vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung khi tiềm năng về khoáng sản, bô xít được khai thác hiệu quả.
Lâm Đồng hiện có trên 30 loại khoáng sản, nổi bật nhất là quặng bô xít, titan và các khoáng sản khác như: kaolin, diatomite, bentonite, đá granite, than bùn….

Trong đó, quặng bô xít trên 5,4 tỷ tấn nguyên khai (Đắk Nông khoảng 4,2 tỷ tấn; chiếm 47% trữ lượng bô xít cả nước. Lâm Đồng có khoảng 1,234 tỷ tấn).
Lâm Đồng có cơ hội trở thành trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của Việt Nam và thế giới. Ngoài khai thác bô xít, điều chế alumin, các tổ hợp bô xít - nhôm sẽ xuất khẩu thông qua cảng biển Kê Gà của Lâm Đồng.
Như vậy, địa phương tham gia vào gần như toàn bộ chuỗi giá trị của ngành công nghiệp này. Từ khai khoáng, điều chế alumin, điện phân nhôm đến xuất khẩu các sản phẩm liên quan tới điều chế quặng bôxít và nhôm.

Hiện nay, 2 dự án bô xít lớn nhất Việt Nam là tổ hợp bô xít - nhôm Lâm Đồng (Tân Rai) và Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) do Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) quản lý. Cả 2 nhà máy đều có công suất thiết kế 650.000 tấn alumin mỗi năm.
Đặc biệt, Dự án bô xít 2 tại huyện Đắk Glong (Đắk Nông) với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 21.000 tỷ đồng đang được đẩy nhanh thủ tục để khởi công.
Dự án này được kỳ vọng sẽ tăng công suất sản xuất alumin lên gấp đôi, từ đây, thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ như: luyện nhôm và chế biến hóa chất.
Tới đây, Lâm Đồng không chỉ gia tăng trữ lượng khoáng sản, mà còn có điều kiện để tối ưu hóa chuỗi giá trị từ khai thác bô xít, điều chế alumin đến luyện nhôm.

Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu alumin thô sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Theo TKV, việc phát triển công nghiệp luyện nhôm trong nước sẽ mang lại giá trị gia tăng cao hơn, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô.
Do đó Lâm Đồng hiện đã có kế hoạch kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm với nhiều dự án quy mô hàng tỷ USD chuẩn bị triển khai.
Tất cả hứa hẹn về sự phát triển không ngừng của ngành công nghiệp này. Từ đây, Lâm Đồng sẽ tiến gần hơn với thủ phủ nhôm quốc gia.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh, với trữ lượng bô xít dồi dào, sau hợp nhất, Lâm Đồng có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp nhôm. Đây là lợi thế cạnh tranh lớn trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế.

Hiện nay, địa phương đang đề xuất nhiều giải pháp đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông vận tải và năng lượng. Bởi nếu được đầu tư bài bản sẽ bảo đảm khả năng vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm nhôm thuận tiện.
Tỉnh đề xuất nâng cấp tuyến đường nối khu vực khai thác bô xít với cảng biển, khu công nghiệp lớn, nhằm tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu nhôm ra thị trường quốc tế.
Giai đoạn 2021 - 2030, TKV đặt mục tiêu sản lượng alumin đạt từ 1,4 đến 2,8 triệu tấn. Đến năm 2030, TKV phấn đấu sản xuất ra tấn nhôm thỏi đầu tiên. Giai đoạn 2031 - 2045, sản lượng alumin của TKV đạt từ 4 - 6 triệu tấn/năm. Trong đó, dùng cho điện phân nhôm từ 1 - 2 triệu tấn/năm và nhôm thỏi từ 0,5 - 1 triệu tấn/năm.
Động lực mới cho kinh tế biển
Cùng với thế mạnh khác, kinh tế biển là lĩnh vực mang lại nhiều tiềm năng lợi thế cho Lâm Đồng trong tương lai. Lâm Đồng mới có đường bờ biển dài 192km, có ngư trường rộng 52.000km2.
Địa phương hiện đang thực hiện điều tra, lập danh mục phân loại hải đảo như: Hòn Cau, Hòn Nghề, Hòn Lao, Hải Đăng - Kê Gà, Hòn Bà…
Cụm đảo Phú Quý còn nổi tiếng với đảo Phú Quý được mệnh danh là thiên đường du lịch. Cơ cấu ngành nghề đang dần có sự thay đổi lớn tương ứng với tiềm năng này.

Xác định tài nguyên, môi trường biển là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, Lâm Đồng đã có những chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên cơ sở này, địa phương đề ra mục tiêu khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo. Tỉnh tập trung các giải pháp khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo về lợi ích khai thác, sử dụng tài nguyên giữa các sở, ngành, các doanh nghiệp và Nhà nước.
Từ đó, tỉnh khai thác tài nguyên biển được bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đến năm 2030, Lâm Đồng tập trung phát triển các khu công nghiệp như: Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, khu kinh tế ven biển. Các đảo với các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ nền tảng, công nghệ nguồn cũng được khai thác.
.jpg)
Địa phương phát triển năng lượng tái tạo điện gió trên biển, kết hợp điện gió với điện phân nước biển để sản xuất khí hydro, khai thác năng lượng từ sóng biển và các ngành kinh tế biển mới thân thiện môi trường.
Liên quan đến tiềm năng kinh tế biển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận Phan Văn Đăng cho hay, tỉnh đang hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống cảng.
Để bảo tồn đa dạng sinh học biển, Bình Thuận yêu cầu các ngành liên quan tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về phát triển bền vững, ngăn chặn hiệu quả khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định.

Từ nay tới năm 2030, Bình Thuận sẽ có 80% các khu vực biển có đa dạng sinh học cao. Tỉnh tăng cường trồng rừng ở các vùng ven biển, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt mức an toàn sinh thái bảo đảm đa dạng sinh học rừng ven biển ….
Nâng tầm nông nghiệp công nghệ cao
Nông nghiệp công nghệ cao là một trong những lợi thế hàng đầu của Lâm Đồng. Đây là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp thuộc tóp lớn nhất cả nước, với quy mô trên 1.054 triệu ha (Đắk Nông có khoảng 378.000ha, Lâm Đồng có khoảng 320.000ha, Bình Thuận có khoảng 356.000ha).
.jpg)
Độ cao địa hình sản xuấtnông nghiệp biến động rất lớn, bao gồm hệ sinh thái nông nghiệp Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Đây là điều kiện thuận lợi để Lâm Đồng có điều kiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tỉnh phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi phong phú nhất cả nước như: cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, rau, hoa, chăn nuôi đại gia súc và nuôi trồng thuỷ sản….
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, ngành nông nghiệp đang thực hiện mục tiêu chung là tập trung xây dựng mô hình, phát triển quy mô lớn theo hướng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ.
Ngành nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục mở rộng phạm vi, địa bàn ứng dụng các loại hình công nghệ cao, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, từng bước phát triển nông nghiệp tuần hoàn...
.jpg)
Tỉnh Lâm Đồng đang đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp nông thôn.
Có thể khẳng định, hợp nhất Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận là bước đi lớn, mang tính chiến lược và táo bạo. Nếu được hoạch định bài bản, lộ trình rõ ràng và đặt lợi ích Nhân dân lên hàng đầu, đây sẽ là cú hích mạnh mẽ mở ra một tương lai phát triển đồng đều, hiện đại và bền vững.
Một vùng đất mới đang hình thành, không chỉ là về địa lý hành chính, mà còn là biểu tượng cho một tầm nhìn dài hạn trong kiến tạo không gian phát triển quốc gia.