Đắk Nông lạc quan thu hút “sếu đầu đàn”
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng với cải thiện môi trường đầu tư, Đắk Nông hứa hẹn sẽ là “tổ ấm” của nhiều nhà đầu tư tầm cỡ.
Đắk Nông là địa phương có tiềm năng lớn về bô xít. Quặng bô xít ở Đắk Nông trải rộng trên hầu hết diện tích tự nhiên của tỉnh.
Theo quy hoạch khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đắk Nông là địa phương đứng đầu cả nước về trữ lượng bô xít.
Toàn tỉnh Đắk Nông có 29 mỏ bô xít, với trữ lượng quặng đạt gần 1,8 tỷ tấn. Tài nguyên khoáng sản này của tỉnh được dự báo khoảng hơn 2,5 tỷ tấn; tổng trữ lượng quặng đạt gần 4,3 tỷ tấn.
Bô xít ở Đắk Nông được đánh giá có chất lượng cao hơn bô xít ở các địa phương khác. Hàm lượng bô xít nhôm đạt gần 40%. Theo quy hoạch, diện tích bô xít được quy hoạch thăm dò, khai thác của Đắk Nông là 179.597ha, chiếm 27% diện tích tự nhiên của Đắk Nông và diện tích rộng nhất cả nước.
Ngoài trữ lượng bô xít, Đắk Nông có tiềm năng phát triển các ngành năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Theo nghiên cứu của Viện Năng lượng, tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời của mặt đất tại Đắk Nông trên 59.000MW; tiềm năng điện gió khoảng 8.300MW.
Tại Đắk Nông hiện có 2 dự án điện mặt trời lớn là Điện mặt trời Trúc Sơn, Điện mặt trời Cư Jút, với công suất 106MWp đã đi vào vận hành. Toàn tỉnh có 1.631 hệ thống mặt trời áp mái. Sản lượng điện mặt trời tại Đắk Nông bình quân mỗi năm đạt 660,7 triệu KWh. Con số này chiếm 28,42% các nguồn cung cấp điện tại Đắk Nông.
Về lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, Đắk Nông có rất nhiều ưu thế. Trước hết, về mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp Đắk Nông là các loại cây chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, điều… Toàn tỉnh hiện có 131.000ha cà phê, đứng thứ 3 cả nước (sau Đắk Lắk, Lâm Đồng). Cùng với diện tích lớn, tỉnh có nhiều vùng sản xuất cà phê tập trung, ứng dụng công nghệ cao.
Hồ tiêu cũng là cây trồng chủ lực của Đắk Nông. Việc phát triển hồ tiêu những năm qua được người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đẩy mạnh theo hướng hữu cơ. Toàn tỉnh hiện có 32.000ha hồ tiêu, sản lượng đạt khoảng 63.000 tấn. Nhiều diện tích hồ tiêu của tỉnh đã đạt các chứng nhận như: VietGAP, USDA Oganic, 4C…
Đắk Nông hiện có khoảng 16.000ha cây ăn quả các loại. Tỉnh đang hình thành được các vùng cây ăn quả tập trung như: sầu riêng ở Đắk Mil, Gia Nghĩa; xoài, bơ ở Đắk Mil, Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Song, Krông Nô, Gia Nghĩa; chanh dây ở Đắk R’lấp, Đắk Glong và Gia Nghĩa…
Tỉnh xây dựng vùng trồng mắc ca tập trung tại huyện Tuy Đức. Hiện diện tích mắc ca đã đạt gần 800ha. Đến nay, khoảng 3/4 diện tích mắc ca đã cho thu hoạch. Tỉnh đang xúc tiến các kế hoạch để xây dựng Tuy Đức trở thành “thủ phủ” mắc ca của Tây Nguyên.
Đắk Nông còn được coi là “miền đất hứa” cho các nhà đầu tư chăn nuôi theo hướng quy mô lớn, bài bản. Số lượng trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tăng nhanh trong những năm gần đây.
Đắk Nông là vùng đất có địa hình đa dạng và phong phú xen kẽ giữa các thung lũng, cao nguyên và núi cao. Với điều kiện khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng tốt, nhiều tiềm năng về di sản, thắng cảnh, cảnh quan như: ao, hồ, thác nước… tạo điều kiện tốt để Đắk Nông phát triển du lịch.
Tại Đắk Nông có nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hùng vĩ như: thác Đắk G'lun, Đắk Búk So, Đ'ray Sáp; hồ Trúc hay hồ Tây... Đặc biệt, Vườn Quốc gia Tà Đùng tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong nằm trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là một trong những địa điểm hấp dẫn có thể khai thác nhiều loại hình du lịch. Vườn Quốc gia Tà Đùng với gần 5.000ha mặt nước và hơn 40 hòn đảo, bán đảo lớn nhỏ tạo nên cảnh quan thiên nhiên vô cùng độc đáo.
Phát triển công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch được Đắk Nông xác định là 3 trụ cột kinh tế. Trên cơ sở đó, Đắk Nông mời gọi, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực này. Trong đó, địa phương luôn có khát vọng thu hút các doanh nghiệp tầm cỡ đến đầu tư đến với địa phương như: Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Việt Phương, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, Tập đoàn TH….
Nói về tiềm năng, lợi thế của Đắk Nông, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: “Tiềm năng của Đắk Nông không phải địa phương nào cũng có. Đây là điểm mạnh. Đắk Nông cần biến tiềm năng thành lợi thế cạnh tranh để đẩy mạnh thu hút đầu tư”.
Liên quan đến thu hút đầu tư vào các trụ cột kinh tế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười khẳng định, để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, Đắk Nông luôn xác định việc kêu gọi, tạo điều kiện thông thoáng cho các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Đắk Nông mời các nhà đầu tư đến, ở lại và làm với Đắk Nông. Tỉnh cam kết luôn đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đắk Nông sẽ huy động sự vào cuộc của các sở, ngành, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở. Tỉnh sẽ chia sẻ với nhà đầu tư những khó khăn, thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.
“Tôi tin rằng, với lòng nhiệt huyết của các nhà đầu tư, sự quyết tâm, đồng lòng của chính quyền và Nhân dân tỉnh, Đắk Nông sẽ là “tổ ấm” cho các doanh nghiệp trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười khẳng định.
Nội dung: Nguyễn Lương
Trình bày: Huy - Hiền