Kinh tế

Đắk Nông kỳ vọng vào mục tiêu 19.000 ha cây ăn trái 

Kim Ngân 15/06/2023 06:06

Ngành Nông nghiệp Đắk Nông đã chủ động áp dụng các giải pháp giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là phát triển cây ăn trái, đã mang lại kết quả tích cực.

dsc_1281-1-.jpg
Trồng xen cây vải thiều trong vườn cà phê, ông Phạm Trường Tam, ở bon Bu Dăr, xã Quảng Trực (Tuy Đức) tăng thu nhập

Những năm trước đây, người dân chủ yếu trồng cà phê, hồ tiêu, cao su… Tuy nhiên, do giá cả thất thường, trình độ canh tác hạn chế, thiếu vốn đầu tư, nên ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của bà con.

Do đó, để giúp người dân cải thiện thu nhập, tỉnh Đắk Nông đã đẩy mạnh chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là phát triển diện tích cây ăn trái.

Gia đình ông Huỳnh Tấn Kháng, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) trước đây canh tác cà phê, điều. Cách đây ít năm, ông đã chuyển đổi và trồng hơn 700 cây sầu riêng. Hiện nay, sầu riêng đang thu hoạch chính.

Ông Kháng cho biết: “Vụ vừa qua, gia đình thu được khoảng 45 tấn sầu riêng, với giá bán xô tại vườn 60.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí gần 1 tỷ đồng, gia đình thu lãi hơn 1,6 tỷ đồng”.

Còn gia đình ông Phạm Trường Tam, bon Bu Dăr, xã Quảng Trực (Tuy Đức), đưa cây vải u hồng vào trồng xen canh trên diện tích 5 ha cà phê.

Vụ vừa qua, gia đình ông thu hoạch được khoảng 5 tấn vải và bán với giá trung bình 30.000 đồng/kg. Mặc dù là cây trồng xen, nhưng  vải u hồng đã mang lại cho gia đình ông một khoảng thu không nhỏ.

Theo UBND huyện Tuy Đức, thời gian qua, địa phương đã chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, phát triển cây ăn trái.

Huyện đẩy mạnh phổ biến chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh; quảng bá, giới thiệu các mô hình cây trồng hiệu quả cho bà con.

Từ đó, giúp người dân tham khảo, học tập cách làm hay để áp dụng vào thực tế. Những năm qua, năng suất, sản lượng của nhiều loại cây trồng trên địa bàn đã tăng lên rõ rệt. Trong đó, tăng mạnh nhất là diện tích sầu riêng, vải thiều, măng cụt, mắc ca…

img_1380-1-.jpg
Người dân Đắk Nông đã tích cực chuyển đổi cây trồng một cách hợp lý để tăng thu nhập

Theo Sở NN – PTNT, để người dân yên tâm chuyển đổi cây trồng, tỉnh Đắk Nông đã ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản.

Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa gắn với thực hiện Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Tỉnh Đắk Nông đề ra kế hoạch phát triển cây ăn trái đến năm 2030, với tổng diện tích ổn định khoảng 19.000 ha. Trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 13.000 ha, tổng sản lượng đạt khoảng 260.000 tấn.

Đồng thời, tỉnh hình thành các vùng tập trung gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản. Dự kiến, đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh sẽ xây dựng được 3 vùng cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao, với diện tích khoảng 900 ha.

Năm 2015, tổng diện tích cây ăn trái của Đắk Nông là 4.781 ha, đến năm 2023 tăng lên trên 18.000 ha, sản lượng đạt khoảng 78.000 tấn/năm. Cây ăn trái tập trung chủ yếu tại các huyện Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, Tuy Đức...

Ngoài ra, nhiều loại cây ăn trái được người dân trồng xen trong các vườn cây lâu năm. Hình thức phát triển này giúp người dân cải thiện thu nhập khá tốt.

Đến nay, một số loại cây ăn trái đang dần trở thành cây trồng chủ lực đối với nhiều địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông kỳ vọng vào mục tiêu 19.000 ha cây ăn trái
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO