Kinh tế

Đắk Nông kỳ vọng điện gió đóng ngân sách 200 tỷ đồng/năm

Lê Dung 10/06/2024 05:09

Đắk Nông mong muốn sớm được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các dự án điện gió đi vào hoạt động, đóng góp cho sự phát triển địa phương.

Chồng lấn 2 quy hoạch

Ngày 28/4/2023, Thanh tra Chính phủ có kết luận về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

dien-gio-1-.jpg
Các dự án điện gió trên địa bàn huyện Đắk Song đang vướng chồng lấn 2 quy hoạch

Theo nội dung kết luận, Đắk Nông ban hành các quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 6 dự án điện gió (trong đó, 1 dự án đã hoàn thành và phát điện thương mại) nằm trong quy hoạch thăm dò quặng bô xít.

Các dự án điện gió này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực. Đến nay, do vướng quy hoạch thăm dò quặng bô xít, nên các dự án chưa thể hoàn thiện thủ tục đất đai, xây dựng.

Đắk Nông cũng chưa được bộ chủ quản bàn giao các tài liệu khoan, thăm dò. Như vậy, từ thời điểm triển khai các dự án điện gió đến nay đã tồn tại song song 2 quy hoạch chồng lấn nhau. Tồn tại này vượt thẩm quyền xử lý, khắc phục của tỉnh.

Theo quy hoạch thăm dò quặng bô xít, Đắk Nông có 13 mỏ. Trong đó, 9/13 mỏ đã được thăm dò, đánh giá trữ lượng; 1/9 mỏ đã được cấp phép khai thác (mỏ Nhân Cơ). Sau khi quy hoạch được duyệt, các số liệu về vị trí, trữ lượng các mỏ tỉnh Đắk Nông không được bộ chủ quản cung cấp thông tin.

Vị trí thực hiện các dự án điện gió nằm trong vùng quy hoạch mỏ Đắk Song và mỏ Tuy Đức, có tổng diện tích là 47.200ha (chưa được cấp phép khai thác). Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng đất của 6 dự án điện gió chỉ khoảng 84ha (trong đó, 5 dự án đang triển khai đầu tư khoảng 78,9ha) chỉ chiếm một phần nhỏ, với khoảng 0,17%.

dgds copy
Kỹ sư, công nhân kiểm tra các trụ tua bin Dự án Nhà máy điện gió Đắk Hòa, huyện Đắk Song (Đắk Nông). Ảnh: Hồ Mai

Ngoài các hạng mục trạm biến áp, đường dây thì vị trí các trụ phân tán, diện tích đất chiếm mỗi trụ là không đáng kể (khoảng 1.000m2-3.000m2), không ảnh hưởng nhiều đến trữ lượng quặng bô xít. Mặt khác, trong quá trình thi công các công trình điện gió cũng không gây thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 nhà máy được phép khai thác và vận chuyển bô xít là Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Do đó, việc thực hiện tận thu khoáng sản theo Luật Khoáng sản là không khả thi. Bởi vì chi phí lập thủ tục, khai thác, vận chuyển quặng cao hơn giá bán tại nhà máy.

Đến thời điểm hiện nay, đối với các dự án điện gió trên địa bàn huyện Đắk Song cũng không còn vướng mắc gì liên quan đến quốc phòng, an ninh, ngoại giao.

Trong công văn phúc đáp UBND tỉnh Đắk Nông cuối tháng 8/2023, Bộ Ngoại giao khẳng định, việc triển khai các dự án điện gió ở Đắk Nông không ảnh hưởng đến vấn đề biên giới, lãnh thổ Việt Nam và Campuchia. Bộ Công an cũng có ý kiến phúc đáp vào tháng 10/2023 và khẳng định, chưa phát hiện các vấn đề phức tạp liên quan tới an ninh tại các dự án điện gió ở Đắk Song.

Tạo nguồn lực lớn

Từ những lý do nêu trên, Đắk Nông kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sớm tháo gỡ những khó khăn, để tránh gây lãng phí nguồn lực đã đầu tư, sớm đưa các dự án vào hoạt động, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và nguồn điện cho quốc gia.

dien-gio-1-1-.jpg
Các dự án đầu tư hoàn thành sẽ đóng góp cho lưới điện quốc gia khoảng 380MW

Đắk Nông cũng mong muốn, các vấn đề trên sớm được Bộ TN-MT phối hợp với các bộ, ngành liên quan căn cứ yêu cầu về bảo vệ công trình hạ tầng (các vị trí đã thực hiện 6 dự án điện gió) để quyết định hình thức hạn chế hoạt động khoáng sản.

Cụ thể, hạn chế diện tích khai thác bô xít trong khu vực quy hoạch đối với các khu vực có công trình điện gió theo quy định. Đồng thời, cho phép bảo vệ khoáng sản bô xít ngay tại phạm vi công trình dự án điện gió.

Đắk Nông đề nghị đối với các dự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1, 2, 3, thống nhất cho phép tỉnh hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai. Qua đó, giúp nhà đầu tư hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án, sớm phát điện thương mại.

Đối với Dự án Nhà máy điện gió Nam Bình 1, tỉnh đề nghị thống nhất cho phép điều chỉnh giãn thời gian đi vào hoạt động theo quy định, tạo điều kiện cho nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục phát điện thương mại.

Riêng Dự án Nhà máy điện gió Asia Đắk Song 1, Đắk Nông đề xuất cho phép hoàn thiện thủ tục đất đai và các thủ tục liên quan để triển khai đầu tư dự án.

Tháng 11/2021, Dự án Nhà máy điện gió Đắk Hòa hoàn thành và được nghiệm thu vận hành phát điện. Từ khi vận hành tới nay, nhà máy đóng góp sản lượng điện hàng năm khoảng 162,3 triệu kWh.

Sản lượng này chiếm 6,98% các nguồn điện cung cấp trên địa bàn Đắk Nông. Hàng năm, nhà máy đóng góp cho ngân sách địa phương khá lớn.

Theo Sở Công thương, nếu 5 dự án điện gió còn lại được hoàn thành, mỗi năm sẽ đóng góp cho lưới điện quốc gia khoảng 380MW điện, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 200 tỷ đồng.

Trong điều kiện Đắk Nông là tỉnh nghèo, khó khăn về kinh tế thì việc sớm hoàn thành các dự án điện gió có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của địa phương.

Theo Sở Công thương, đến thời điểm hiện tại, Đắk Nông có 5 dự án điện gió đang gặp vướng mắc gồm: Dự án Nhà máy điện gió Nam Bình 1 đã hoàn thành đầu tư (tổng vốn đầu tư khoảng trên 1.000 tỷ đồng); các Dự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1, 2, 3 đã đầu tư khoảng 5.800/10.525 tỷ đồng; Dự án Nhà máy điện gió Asia Đắk Song 1 chưa triển khai thi công (tổng vốn đầu tư khoảng: 1.693 tỷ đồng).

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông kỳ vọng điện gió đóng ngân sách 200 tỷ đồng/năm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO