Chính trị

Đắk Nông kiến nghị 5 nội dung về lĩnh vực nông, lâm nghiệp

Đ.Diệu th 05/04/2023 17:59

Đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị 5 nội dung liên quan đến lĩnh vực nông, lâm nghiệp.

hinh-bac-danh(1).jpg
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Đắk Nông Ngô Thanh Danh tham dự hội thảo

Tại hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” diễn ra vào ngày 4/4/2023 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tỉnh uỷ Đắk Lắk tổ chức, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã có bài tham luận với chủ đề: “Các giải pháp ổn định dân di cư tự do, chính sách dân tộc thiểu số tại tỉnh Đắk Nông và một số kiến nghị đề xuất”.

Đồng chí Hồ Văn Mười nhấn mạnh: Tỉnh Đắk Nông được thành lập ngày 01/01/2004, có diện tích tự nhiên khoảng 6.515 km2, có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Capuchia dài 141 km. Tỉnh có 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 31,73%; có 03 dân tộc thiểu số tại chỗ là M’nông, Mạ, và Ê Đê, chiếm 11,05% dân số toàn tỉnh.

Tỉnh Đắk Nông có lợi thế về đất đai, chủ yếu là đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa, rất thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp… đã tạo lực hút rất lớn người dân di cư tự do từ các địa phương khác đến sinh sống tự phát, trong đó chủ yếu là người đồng bào các dân tộc thiểu số. Vì vậy, thực hiện các chính sách dân tộc và ổn định dân di cư tự do một trong những nhiệm vụ quan trọng, được các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Đắk Nông đặc biệt quan tâm, quyết liệt thực hiện trong thời gian qua.

dong-chi-muoi-chon-1-.jpg
Đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu tham luận tại hội thảo

Thực trạng dân di cư tự do và dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Tính đến ngày 31/10/2022, tổng số dân di cư tự do đến sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là 38.191 hộ/173.973 khẩu; riêng giai đoạn 2005 đến nay là 5.388 hộ/23.680 khẩu. Trong thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức ổn định tại chỗ; bố trí, sắp xếp vào các dự án tập trung, dự án xen ghép cho 32.741 hộ/149.643 khẩu. Riêng từ năm 2005 đến nay, tỉnh đã đầu tư 13 dự án ổn định dân di cư tự do với tổng mức đầu tư là 939,307 tỷ đồng. Đến nay, số vốn đã bố trí cho các dự án là 628,715 tỷ đồng, góp phần ổn định cho 7.047 hộ; đã giao đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ làm nhà cho 1.078 hộ với diện tích đất ở là 41,84 ha (bình quân 400 m2/hộ), đất sản xuất là 500 ha (bình quân 0,5 ha /hộ). Hiện nay tỉnh Đắk Nông vẫn còn 5.450 hộ/24.330 khẩu chưa được quy hoạch bố trí ổn định và còn 4 dự án ổn định dân di cư tự do dở dang, đang tiếp tục đầu tư với số vốn còn thiếu 193,349 tỷ đồng.

Tỉnh Đắk Nông có 31,73% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, phần lớn dân di cư tự do đến tỉnh cũng là người đồng bào dân tộc. Vì vậy, việc thực hiện các chính sách về dân tộc thiểu số luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Đắk Nông đặc biệt quan tâm, sâu sát triển khai, tập trung vào các công tác về: Cán bộ dân tộc thiểu số; Đầu tư phát triển bền vững bon, buôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số; Nâng cao chất lượng giảng dạy và hỗ trợ kinh phí cho học sinh dân tộc thiểu số; Bảo tồn và phát huy truyền thống, văn hóa, lễ hội tốt đẹp của đồng bào dân tộc; Hỗ trợ lãi suất cho đồng bào dân tộc vay vốn sản xuất kinh doanh;….

Với việc thực hiện các giải pháp như trên, đã từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho dân di cư tự do và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm của tỉnh Đắk Nông là trên 3%, trong đó, tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên 5%/năm; góp phần hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng và bảo đảm ninh, trật tự an toàn xã hội, đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Các giải pháp ổn định dân di cư tự do và chính sách dân tộc thiểu số trong thời gian tới

Một là, thực hiện hiệu quả các quy định, chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, đặc biệt là Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Video đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị 5 nội dung liên quan đến lĩnh vực nông, lâm nghiệp

Hai là, quy hoạch bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do; tập trung lồng ghép các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn của 03 chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, công trình nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, chợ… vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng ổn định dân di cư tự do; phấn đấu đến năm 2025 cơ bản bố trí, sắp xếp ổn định tất cả các hộ dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh (còn 5.450 hộ/24.330 khẩu).

Ba là, tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người dân di cư tự do, theo hướng thu hồi diện tích đất sử dụng không hiệu quả của các tổ chức, cá nhân, giao cho địa phương quản lý và sắp xếp cho người dân sử dụng.

Bốn là, phát triển giáo dục, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề ở vùng dân tộc thiểu số; ban hành cơ chế đặc thù về sử dụng, đãi ngộ đối với cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm là, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát huy tinh thần đoàn kết, cùng nhau xây dựng quê hương; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; ngăn chặn âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc thông qua “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lừa gạt, lôi kéo, kích động đồng bào các dân tộc thiểu số cũng như dân di cư tự do tham gia hoạt động trái pháp luật.

5 kiến nghị liên quan đến lĩnh vực nông, lâm nghiệp

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, đồng chí Hồ Văn Mười gửi đến các bộ, ngành trung ương 5 kiến nghị liên quan đến lĩnh vực nông, lâm nghiệp.

Thứ nhất: Tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tỉnh Đắk Nông được phân bổ chỉ tiêu đất lâm nghiệp 292.981 ha. Tuy nhiên qua rà soát, tỉnh Đắk Nông chỉ có 248.343,79 ha đất có rừng. Mặc dù hằng năm, tỉnh Đắk Nông rất nỗ lực thực hiện công tác trồng rừng, như năm 2022 đã trồng được hơn 2.000ha rừng nhưng việc phát triển rừng theo quy hoạch vẫn rất khó khăn, do một phần diện tích này đã bị người dân lấn chiếm sản xuất nông nghiệp ổn định. Ngoài ra, trong thời gian tới, Đắk Nông cần nhiều diện tích, không gian để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các ngành công nghiệp khai khoáng, năng lượng tái tạo… Do đó, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu diện tích đất lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông đến năm 2030 là 247.565 ha.

Thứ 2: Với diện tích rừng hiện hữu chiếm trên 38% diện tích toàn tỉnh (248.343ha/651.500ha). Tỉnh Đắk Nông có nhiều lợi thế phát triển kinh tế rừng, như: cung ứng dịch vụ môi trường rừng, cho thuê môi trường rừng; sản xuất nông nghiệp, trồng cây dược liệu dưới tán rừng.... Tuy nhiên, việc thực hiện gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Kính đề nghị Chính phủ xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách liên quan để tỉnh Đắk Nông phát huy tiềm năng, lợi thế về lĩnh vực này như: Chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp; Bổ sung danh mục trồng rừng các loài cây có giá trị kinh tế cao như: Sầu riêng ....

toan-canh-hoi-thao(1).jpg
Các sở, ngành tỉnh Đắk Nông tham dự hội thảo

Thứ 3: Theo số liệu của Ban Kinh tế Trung ương, tỉnh Đắk Nông hiện có 67.400 ha đất sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp. Diện tích này hình thành chủ yếu do người dân tại các lâm trường trước đây được giao khoán nhưng sử dụng sai mục đích chuyển sang đất sản xuất nông nghiệp; dân di cư tự do xâm lấn rừng trái pháp luật để sản xuất từ lâu đời. Việc thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất để phục hồi lại rừng tiềm ẩn yếu tố mất an ninh trật tự xã hội. Đây là tồn tại lớn trong ngành lâm nghiệp tại Đắk Nông nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân đang canh tác nông nghiệp trên đất lâm nghiệp chuyển sang sản xuất nông lâm kết hợp.

Video đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị 5 nội dung liên quan đến lĩnh vực nông, lâm nghiệp

Thứ 4: Tỉnh Đắk Nông có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp như: Sản lượng hồ tiêu đạt gần 57 ngàn tấn/năm(đứng đầu cả nước); Sản lượng cà phê đạt 336 ngàn tấn/năm (đứng thứ 3 cả nước); Cao su đạt sản lượng 33 ngàn tấn/năm; Điều đạt sản lượng 18 ngàn tấn/năm; Các loại trái cây, như sầu riêng, bơ, chanh dây, xoài, mắc ca... sản lượng trên 80 ngàn tấn/năm; ngành hàng rau đậu các loại đạt sản lượng khoảng 122 ngàn tấn/năm. Thị trường xuất khẩu nông sản mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ với kim ngạch hàng năm đạt 720 triệu USD. Vì vậy, việc bảo đảm an ninh nguồn nước, phục vụ nông nghiệp luôn làm một trong những ưu tiên đầu tư của tỉnh. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, hiện nay, tỉnh Đắk Nông mới đầu tư được 06/80 công trình hồ đập theo quy hoạch thủy lợi, đạt tỷ lệ khoảng 7,5%. Do đó, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí đầu tư hồ chứa theo Quy hoạch của tỉnh và Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên, với tổng kinh phí 4.494 tỷ đồng; đầu tư hoàn thiện năng lực quản lý an toàn đập, hồ thủy lợi, với kính phí 1.273 tỷ đồng.

Thứ 5: Tỉnh Đắk Nông hiện còn khoảng 64.000 ha đất đã thu hồi của các công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp, bàn giao về địa phương nhưng hiện tại chưa được đo đạc bản đồ địa chính. Ngoài ra, hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh Đắk Nông đang triển khai xây dựng nhưng gặp nhiều khó khăn do ngân sách tỉnh còn hạn chế. Do đó, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia với kinh phí là: 786,759 tỷ đồng.

Đồng chí Hồ Văn Mười mong muốn trung ương, các địa phương tiếp tục quan tâm, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn hiện nay trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp để tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho Đắk Nông phát huy tiềm năng, lợi thế, phục vụ mục tiêu phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông kiến nghị 5 nội dung về lĩnh vực nông, lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO