Kinh tế

Đắk Nông khơi thông điểm nghẽn, tăng tốc thực hiện nhiệm vụ 2023

Nguyễn Lương 28/04/2023 05:00

Năm 2023, tình hình kinh tế Đắk Nông chịu ảnh hưởng chung của lạm phát. Nhiều lĩnh vực vì thế có tốc độ tăng trưởng chậm. Đắk Nông đang tập trung mọi nguồn lực để tăng tốc, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Nhiều lĩnh vực đạt khá

Những tháng đầu năm, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng hoạt động kinh tế ở Đắk Nông ghi nhận nhiều điểm sáng. Một trong những lĩnh vực dẫn đầu về chỉ tiêu vượt cao đó là thương mại, dịch vụ và du lịch.

img_3475(1).jpg
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ ghi nhận sự tăng trưởng khá những tháng đầu năm 2023

Trong 4 tháng đầu năm 2023, thị trường cung, cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ổn định. Các dịch vụ ăn uống, du lịch tăng hoạt động tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ của tỉnh ước đạt 7.400 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ 2022.

Ở lĩnh vực cải thiện môi trường đầu tư cũng đạt nhiều kết quả ấn tượng. Ngày 11/4/2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chỉ số PCI của Đắk Nông tăng 14 bậc so với 2021 và tăng 22 bậc so với năm 2020.

img_0713-3.57.00-ch(1).jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nắm bắt hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tâm Thắng (Cư Jút)

Kết quả này thể hiện nỗ lực, quyết tâm chính trị cao của tỉnh, các cấp, ngành và địa phương. Trong 4 tháng, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 2 dự án ngoài ngân sách. Tổng mức đầu tư đăng ký trên 320 tỷ đồng.

img_6527(1).jpg
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R'lấp)

Đối với lĩnh vực công nghiệp, từ đầu năm đến nay cũng tăng 4,74% so với năm 2022. Nhiều dự án lớn đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động.

Trong đó Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông đã hoàn thành, đang chờ lắp thiết bị. Dự kiến, trong năm 2023 sẽ chính thức khởi động gói thầu EPC của dự án.

Những điểm nghẽn cần khơi thông

Bên cạnh những điểm sáng, những tháng đầu năm, kinh tế của tỉnh vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Một trong những lĩnh vực còn nhiều tồn tại là quản lý, bảo vệ rừng.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 74 vụ phá rừng, gây thiệt hại 16,5 ha rừng. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ phá rừng giảm. Tuy nhiên, mức độ, hành vi phá rừng táo tợn, tinh vi hơn.

Nguyên nhân phá rừng được xác định là do một số chủ rừng chưa thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Việc phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm với chính quyền địa phương chưa thực sự chặt chẽ.

dsc_2365-1-.jpg
4 tháng đầu năm 2023, Đắk Nông xảy ra 74 vụ phá rừng, gây thiệt hại 16,5 ha rừng

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Trần Nam Thuần cho biết, ở địa phương, tình trạng phá rừng đang diễn biến phức tạp.

Điểm nóng phá rừng hiện nay thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk N’tao. Hành vi phá rừng ngày càng tinh vi hơn, thậm chí được sử dụng công nghệ. Tuy nhiên, địa bàn rộng, con người không có nên công tác quản lý rất khó khăn.

“Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh sớm kiện toàn bộ máy Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk N’tao. Vì các chốt, tổ quản lý bảo vệ rừng tại đây hoạt động không hiệu quả. Chốt nằm đó, nhưng cách chốt không xa, tình trạng phá rừng vẫn diễn ra”, ông Thuần khẳng định.

Tương tự, lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công hiện còn nhiều khó khăn. Tính đến ngày 19/4/2023, Đắk Nông mới giải ngân được 492,8 tỷ đồng, đạt 14,2% kế hoạch.

Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Ban Quản lý các công trình đầu tư xây dựng tỉnh, trong năm 2023, đơn vị được giao nguồn vốn 785 tỷ đồng cho 22 dự án. Đến hết tháng 4/2023, đơn vị giải ngân được gần 245 tỷ đồng, đạt 31,2 % kế hoạch.

z4296241402931_55857b78a590b14497c47d9f3dc767ff(1).jpg
Thi công tại dự án Quảng trường trung tâm TP. Gia Nghĩa

Nguyên nhân giải ngân chậm là do thiếu vật liệu đất đắp, thủ tục đăng ký, cấp phép khai thác đất. Đơn cử như Dự án Quảng trường Trung tâm TP. Gia Nghĩa.

Hiện nay, đơn vị liên quan cấp giấy phép khai thác mới đáp ứng khoảng 6,5% trong tổng số nhu cầu đất đắp dự án là 349.466 m3. Một số dự án có đủ trữ lượng đất khai thác, nhưng chưa được cấp phép.

“Chúng tôi tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo sở TN-MT thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt cấp phép cho Dự án Khu tái định cư B để sớm vận chuyển đất đắp”, ông Nghĩa đề xuất.

Nhiều dự án vướng quy hoạch mỏ bô xít, nhất là các dự án giao thông. Tình trạng này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện dự án.

Ngoài ra, nguồn thu sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết những tháng đầu năm đạt thấp, nên chưa thể bố trí vốn cho các dự án. Một số dự án mở mới, các chủ đầu tư đang triển khai phê duyệt kế hoạch, lựa chọn nhà thầu.

Tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu

Năm 2023 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đây là năm giữa nhiệm kỳ 2021-2025. Việc hoàn thành chỉ tiêu của năm 2023 sẽ tác động rất lớn đến kết quả của cả giai đoạn. Vì thế, nhiều giải pháp được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai quyết liệt đến các cấp, ngành, địa phương.

z4296241399013_b6034b3b897dd581e5f640fafbfd18c9(1).jpg
Đẩy mạnh giải ngân vốn các dự án, công trình là mục tiêu rất quan trọng trong năm 2023

Mỗi lĩnh vực trọng tâm đều được lãnh đạo tỉnh sát sao trong quá trình triển khai thực hiện. Với phương châm “vướng chỗ nào, gỡ ngay chỗ đó”, nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 2023.

Liên quan đến lĩnh vực đầu tư công, Giám đốc Sở KHĐT Trần Đình Ninh cho biết, nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai đã được nhận diện.

Các sở, ngành, địa phương đã ngồi lại với nhau bàn giải pháp tháo gỡ. UBND tỉnh kiên quyết đến 30/6 này, những dự án triển khai chậm sẽ tạm dừng, chuyển vốn cho những dự án tốt, giải ngân cao.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến nhấn mạnh, các sở, ngành, địa phương cứ mạnh dạn, vận dụng linh hoạt các giải pháp. Dự án nào làm được cứ làm. Tránh tình trạng tất cả dự án đều chờ vào quy hoạch sẽ muộn thời gian thi công.

“Trong quá trình thực hiện, các đơn vị hỗ trợ, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm với nhau”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến chỉ đạo.

img_8644(1).jpg
Lĩnh vực nông nghiệp ở Đắk Nông cần được đầu tư phát triển nhiều hơn

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh, trong những tháng đầu năm, nhiều chỉ tiêu trọng tâm của tỉnh chưa đạt.

Điều này dự báo tình hình trong giai đoạn tới rất khó khăn. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư, thu ngân sách Nhà nước… đều là những chỉ tiêu có vai trò quyết định.

“Để giải ngân được trên 95% kế hoạch vốn năm 2023 là rất khó. Nếu chúng ta không quyết tâm, quyết liệt, không đồng hành sẽ không bao giờ làm được. Chỉ còn cách làm sao tất cả các khâu đều cùng nhau vận hành thật nhanh”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chủ tịch các huyện, thành phố rà soát các vướng mắc hiện đang gặp phải để cùng nhau bàn bạc, có hướng xử lý.

Những vướng mắc liên quan đến các chương trình mục tiêu Quốc gia, các địa phương, sở, ngành phối hợp tập trung tháo gỡ. Về thu hút đầu tư, tỉnh vào cuộc chia sẻ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

“Riêng Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Chính phủ thông qua. Hiện nay, quy hoạch đang được chỉnh sửa để phê duyệt. Sau khi quy hoạch được phê duyệt sẽ tạo nhiều thuận lợi, tháo gỡ nhiều “nút thắt” trong phát triển kinh tế”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười thông tin thêm.

Đọc tiếp

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông khơi thông điểm nghẽn, tăng tốc thực hiện nhiệm vụ 2023
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO