Văn hóa

Đắk Nông khoanh vùng khu vực bảo vệ hang C7, C8

Hòa An 22/05/2025 21:24

Ngày 22/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT - DL) tỉnh Đắk Nông tổ chức khảo sát thực địa và họp thống nhất phương án khoanh vùng khu vực bảo vệ danh lam thắng cảnh hang C7 và hang C8 tại huyện Krông Nô.

Hang C7 nằm trên địa bàn xã Nam Đà và xã Đắk Sôr; hang C8 thuộc địa phận xã Nam Đà và Buôn Choáh, huyện Krông Nô, là 2 hang động tiêu biểu trong hệ thống hang động núi lửa Krông Nô, quần thể hang dung nham dạng ống được hình thành cách đây khoảng 600.000 – 200.000 năm từ hoạt động phun trào của núi lửa Nâm B’Lang.

Đây là hệ thống hang động núi lửa có quy mô lớn, cấu trúc địa chất – địa mạo độc đáo, được đánh giá là nổi bật nhất Đông Nam Á và hiện nằm trong vùng lõi Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2024 – 2027.

1(1).jpg
Đoàn công tác họp thống nhất tại UBND huyện Krông Nô

Ngoài giá trị khoa học, 2 hang động còn nằm gần các bon làng Tây Nguyên giàu bản sắc văn hóa cũng như các di tích quốc gia như thác Đray Sáp, căn cứ B4 – Liên tỉnh IV… tạo tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái – văn hóa bền vững.

2(1).jpg
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Văn Lung nhấn mạnh việc xác lập ranh giới bảo vệ rõ ràng là cơ sở quan trọng trong quá trình xây dựng hồ sơ khoa học, đề nghị xếp hạng di tích đối với 2 hang động núi lửa tiêu biểu này

Thời gian qua, Sở VH, TT - DL tỉnh Đắk Nông giao Bảo tàng tỉnh triển khai nghiên cứu, thu thập tư liệu, hoàn thiện hồ sơ khoa học. Quá trình thực hiện có sự tham vấn từ Cục Di sản Văn hóa và các chuyên gia địa chất nhằm bảo đảm tính chính xác và đầy đủ của hồ sơ trình Bộ VH, TT - DL đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với danh lam thắng cảnh hang C7 và C8.

3(1).jpg
Thiếu tá Đặng Văn Mậu, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh đưa ra nhiều ý kiến liên quan tới khu vực khoanh vùng hang C8 trong đó cần xem xét kỹ lưỡng do có liên quan đến quy hoạch một số khu vực quân sự, bảo đảm yếu tố an ninh – quốc phòng trong quá trình bảo tồn và phát triển di tích.

Sau quá trình khảo sát thực địa và tham vấn ý kiến chuyên môn, Bảo tàng tỉnh Đắk Nông đề xuất phương án khoanh vùng bảo vệ đối với 2 danh lam thắng cảnh hang động núi lửa C7 và C8 thuộc huyện Krông Nô.

4(1).jpg
Ông Huỳnh Công Nga, Phó Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Krông Nô, thống nhất với phương án và diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ Danh lam thắng cảnh hang C7 và hang C8 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đề xuất. Ông cũng cho biết, hiện toàn bộ diện tích dự kiến khoanh vùng bảo vệ di tích đều là đất lâm nghiệp do UBND huyện quản lý, chưa giao hoặc cấp quyền sử dụng cho người dân địa phương

Đối với hang C7, diện tích khoanh vùng 49,6 ha, nằm trên địa bàn xã Nam Đà và xã Đắk Sôr. Trong đó, khu vực bảo vệ I rộng khoảng 32,5 ha, bao gồm toàn bộ lòng hang có chiều dài 1.066,5m và miệng hang rộng từ 10–12m. Đây là khu vực cần được giữ nguyên trạng để bảo tồn các yếu tố gốc của di tích.

Khu vực bảo vệ II có diện tích khoảng 17,1 ha, là không gian bao quanh khu vực I, được định hướng để xây dựng các công trình phục vụ hoạt động tham quan, nghiên cứu và phát huy giá trị di sản.

6(1).jpg
Đơn vị đo đạc cập nhật, xác định chính xác mốc giới và diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích tại hang C7

Đối với hang C8, phạm vi khoanh vùng bảo vệ 15,7 ha, thuộc xã Buôn Choáh và xã Nam Đà. Trong đó, khu vực bảo vệ I chiếm khoảng 10,2 ha, bao gồm miệng hang rộng khoảng 20m và toàn bộ lòng hang dài 791m.

Khu vực bảo vệ II rộng khoảng 5,5ha, được bố trí xung quanh khu vực I để phục vụ cho các hoạt động giáo dục, du lịch gắn với bảo tồn.

5(1).jpg
Đoàn khảo sát chụp hình tại cửa hang C7

Cả 2 khu vực khoanh vùng đều nằm trên đất lâm nghiệp do UBND huyện Krông Nô quản lý.

12.jpg
Đoàn công tác thực hiện khảo sát trong lòng hang C8
7.jpg
Đoàn công tác chụp hình tại cửa hang C8

Đọc tiếp

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Đắk Nông khoanh vùng khu vực bảo vệ hang C7, C8
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO