Đắk Nông khó đạt 12 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Với nhiều tồn tại chủ quan và khách quan, Đắk Nông khó đạt mục tiêu về vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, Đắk Nông hình thành và phát triển thêm 12 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng tổng số vùng công nghệ cao lên 16 vùng.
Mặc dù mục tiêu này nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm, nhưng hiện thực hóa kế hoạch này là một nhiệm vụ khó khăn và đầy thách thức.
Đến tháng 9/2024, tỉnh mới công nhận 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 2.423,17ha, gồm 1 vùng cà phê tại huyện Đắk Mil, 2 vùng hồ tiêu tại huyện Đắk Song và 1 vùng lúa tại huyện Krông Nô.
Theo ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông, quá trình xây dựng, công nhận các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh gặp nhiều khó khăn.
Một trong những trở ngại lớn nhất đối với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Đắk Nông là sự thiếu hụt hạ tầng hiện đại. Tỉnh còn thiếu các hệ thống giao thông, điện nước và truyền thông cần thiết để hỗ trợ các công nghệ tiên tiến.
Đặc biệt, các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa thiếu các tuyến đường giao thông thuận tiện để vận chuyển vật tư, máy móc, sản phẩm nông nghiệp. Sự thiếu hụt này làm gia tăng chi phí, gây khó khăn trong việc triển khai các công nghệ mới.
Việc đầu tư vào công nghệ cao yêu cầu một nguồn vốn lớn, điều này đặc biệt khó khăn đối với nhiều nông dân và doanh nghiệp nhỏ tại Đắk Nông. Trong khi đó, khả năng tiếp cận vốn vay và hỗ trợ tài chính từ ngân hàng còn hạn chế.
Các chương trình hỗ trợ tài chính hiện tại thường không đủ để đáp ứng nhu cầu đầu tư vào công nghệ cao, làm cho việc thực hiện các dự án nông nghiệp công nghệ cao trở nên khó khăn.
Biến đổi khí hậu là một thách thức ngày càng nghiêm trọng đối với ngành nông nghiệp. Tỉnh Đắk Nông đang phải đối mặt với tình trạng thời tiết cực đoan như hạn hán kéo dài, mưa lớn bất thường và sự thay đổi nhiệt độ.
Những yếu tố này không chỉ làm giảm năng suất mà còn làm cho việc áp dụng các công nghệ nông nghiệp hiện đại trở nên khó khăn hơn. Các hệ thống công nghệ cao cần phải có khả năng thích ứng linh hoạt với các điều kiện khí hậu biến động để bảo đảm hiệu quả hoạt động.
Chính sách và quy định về phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn chưa rõ ràng, chưa đồng bộ, thiếu các chính sách khuyến khích cụ thể và cơ chế hỗ trợ làm giảm động lực đầu tư vào các dự án công nghệ cao. Các nhà đầu tư và nông dân cần một khung pháp lý rõ ràng và các chính sách hỗ trợ hiệu quả để có thể tự tin triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Về chính sách, ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, một số vướng mắc trong thực thi chính sách về đất đai, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác, trang trại của Trung ương, địa phương vẫn chưa được giải quyến thấu đáo.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ngô Xuân Đông nhấn mạnh, hiện nay, người dân phần lớn canh tác xen canh, vùng chuyên canh còn ít, diện tích không liền vùng, liền thửa nên không đáp ứng tiêu chí theo quy định chung.
Ngoài ra, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm còn nhỏ, chưa chặt chẽ cũng là một hạn chế tại các địa điểm đang được ngành chức năng hỗ trợ xây dựng thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đến nay, có thể nói tỉnh không đạt kế hoạch này, đồng nghĩa các mục tiêu về phát triển nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chất lượng, giá trị cao còn nhiều việc phải làm.
Để thực hiện kế hoạch thành công, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng, cùng với việc đầu tư đồng bộ vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, cải cách chính sách.
Đắk Nông đã hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 120ha; công nhận 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 2.423ha; công nhận 2 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.