Trước tình trạng thiếu giáo viên và chưa được bổ sung biên chế, nhiều nhân viên trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã tự nguyện đi học bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để trở thành giáo viên. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ nhân viên, giáo viên được chuyển đổi từng bước nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Nỗ lực trở thành giáo viên dạy giỏi
Năm 2012, cô giáo Hoàng Thị Ánh Nguyệt, hiện là giáo viên lớp chồi về đảm nhận nhiệm vụ văn thư tại Trường mầm non Hoa Sen, phường Quảng Thành, TP. Gia Nghĩa.
Những tưởng nghề ngồi bàn giấy, làm bạn với giấy tờ, sổ sách sẽ theo mình suốt hành trình công tác nhưng năm 2017, cô Nguyệt rẽ sang hướng khác làm giáo viên đứng lớp. Cô Nguyệt cho biết: “Do biên chế vị trí việc làm đối với nhân viên của trường học giảm theo quy định, trong khi trường còn thiếu giáo viên đứng lớp nên tôi đã tự nguyện đăng ký đi học nghiệp vụ sư phạm mầm non. Sau khi lấy được chứng chỉ bảo mẫu, tôi tiếp tục học sư phạm mầm non và chính thức trở thành giáo viên. 5 năm gắn bó với vị trí công việc văn thư, tôi chưa bao giờ nghĩ chuyển việc, nhảy việc. Do đó, tôi xem việc chuyển đổi sang giáo viên là một cơ duyên”.
Theo cô Nguyệt, 5 năm công tác ở môi trường mầm non, cô được tiếp xúc, làm quen với nhiều thế hệ mầm non. Nên khi quyết định chuyển đổi sang giảng dạy, cô không có nhiều bỡ ngỡ. Quá trình gần 2 năm vừa học, vừa làm, cô Nguyệt được trường tạo điều kiện về thời gian, động viên tinh thần để sắp xếp, thực hiện ổn thỏa hai nhiệm vụ.
“Khi mới tiếp nhận công việc giảng dạy, tôi gặp không ít khó khăn. Bởi các em còn nhỏ, để hiểu, nắm bắt tâm lý mỗi em không thể ngày một ngày hai. Hơn nữa, từ môi trường yên tĩnh chuyển sang môi trường náo nhiệt của trẻ, tôi ít nhiều chưa quen, áp lực. Nhưng có lẽ “bén duyên” với nghề nên chỉ một thời gian ngắn, tôi đã thích nghi được với công việc mới”, cô Nguyệt cho biết.
Cô Nguyệt luôn tâm niệm, muốn hiểu được trẻ thì trước hết, phải coi các em như con của mình để chăm sóc, nhẹ nhàng, trò chuyện thân tình. Đồng thời, cô luôn chủ động học hỏi chuyên môn, nghiệp vụ, rèn kỹ năng đứng lớp từ đồng nghiệp, qua các cuộc thi, hội thi của ngành. “Tôi không có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng đứng lớp như giáo viên khác, nên để lên lớp hay chuẩn bị một hoạt động nào, tôi đều dành nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm và xây dựng phương án, kế hoạch rất cụ thể, chi tiết. Giáo viên khác nỗ lực một thì tôi phải nỗ lực gấp 5-6 lần”, cô Nguyệt chia sẻ.
Với những cố gắng đó, sau nhiều năm đứng lớp, từ bỡ ngỡ ban đầu, cô Nguyệt đã trở thành giáo viên dạy giỏi của trường, của thành phố. Không chỉ chủ động mày mò, sáng tạo các vật dụng, đồ chơi, đồ dùng phục vụ nhu cầu học tập, rèn luyện của các em, cô Nguyệt còn là người truyền động lực cho những giáo viên khác về tinh thần tự học, tự sáng tạo, vun đắp kỹ năng mềm.
Những bức tường của Trường mầm non Hoa Sen đẹp hơn một phần nhờ bàn tay hội họa của cô Nguyệt. Cô Nguyệt chia sẻ: “Mỗi người có một cái duyên riêng, có người chọn nghề cho mình nhưng cũng có người nghề lại chọn mình. Đối với tôi nghề nào cũng có lúc buồn, lúc vui, điều căn bản mình phải biến khó khăn, áp lực thành động lực để vượt qua. Đặc biệt, đã gọi làm nghề thì phải đam mê, yêu thích, tìm niềm vui trong công việc thì mới có thể làm tốt, làm tròn vai của mình”.
Bà Trịnh Thị Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Sen đánh giá, dù chuyển đổi từ nhân viên văn thư qua giáo viên, không được đào tạo chuyên sâu, nhưng cô giáo Nguyệt luôn nỗ lực, cố gắng, chịu khó học hỏi, lắng nghe, tiếp thu những lời góp ý, lời khuyên để hoàn thành tốt nhiệm vụ “trồng người”.
Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Theo bà Phạm Thị Hà, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Gia Nghĩa, toàn thành phố hiện có 7 nhân viên là văn thư, kế toán…chuyển đổi qua giáo viên và đang trực tiếp giảng dạy tại các trường mầm non của địa phương. Việc chuyển đổi này đã giải quyết được 2 vấn đề là thực hiện Thông tư liên tịch 06 và khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cho địa phương.
Theo đó, Thông tư liên tịch 06 của Bộ GD-ĐT - Bộ Nội vụ yêu cầu, căn cứ khối lượng công việc thực tế, nhu cầu và vị trí việc làm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ xác định số lượng người làm việc tối đa không vượt quá 2 người để thực hiện nhiệm vụ về kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ. Từ đó, ngành Giáo dục thành phố đã khuyến khích, động viên các nhân viên trường học có nhu cầu chuyển đổi công việc đi học nghiệp vụ sư phạm để đứng lớp.
Dù việc chuyển đổi từ nhân viên qua giáo viên chưa nhiều, nhưng phần nào gỡ khó cho ngành, nhất là giáo viên bậc mầm non về thiếu giáo viên tồn tại nhiều năm qua. Qua theo dõi, hầu hết các nhân viên sau chuyển đổi sang giáo viên đều làm tốt nhiệm vụ đứng lớp. Một số giáo viên tích cực tham gia các cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố và đạt thành tích cao. Với lòng yêu nghề, mến trẻ, các cô giáo luôn tạo được niềm tin cho phụ huynh khi giao con em cho mình giảng dạy, chưa có trường hợp nào giáo viên bị phụ huynh phản ánh về khả năng đứng lớp, giảng dạy con em.
Không riêng Gia Nghĩa, tại các địa phương khác trong tỉnh, nhiều nhân viên trường học như kế toán, văn thư (những người thuộc diện tinh giản biên chế) cũng tự nguyện đi học bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để trở về nơi công tác trực tiếp giảng dạy. Mặc dù ban đầu gặp không ít khó khăn nhưng những giáo viên được chuyển đổi đều nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Ông Lê Bá Cường, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết: “Những năm qua, trước tình trạng thiếu giáo viên, nhiều nhân viên trường học đã đi đào tạo sư phạm để đứng lớp, đặc biệt là nhân viên bậc mầm non. Giải pháp này giúp các trường sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhân viên (một nhân viên trường học có thể làm 2 trường học) đồng thời bổ sung cho số giáo viên còn thiếu, giúp các trường đón nhận được cả trẻ từ 3 - 4 tuổi thay vì 5 tuổi như trước đây”.