Đắk Nông hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2024
Sáng 29/11, Bộ Y tế tổ chức mít tinh cấp quốc gia bằng hình thức trực tuyến hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2024.
Tham dự buổi lễ, tại điểm cầu trung ương có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, đại diện các tổ chức quốc tế về phòng, chống AIDS.
Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tham dự.
Phát biểu tại lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh: HIV/AIDS là đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với sức khỏe con người và tương lai nòi giống. Phòng, chống HIV/AIDS là mối quan tâm lớn của cả nhân loại. Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS nhằm nhắc nhở chúng ta cùng chung tay đẩy lùi căn bệnh AIDS, đồng thời thể hiện quyết tâm trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hướng tới một xã hội không còn sự sợ hãi, kỳ thị khi sống chung với những người nhiễm HIV.
Ở Việt Nam, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được những thành tựu quan trọng. Nhận thức, trách nhiệm các cấp, ngành và Nhân dân được nâng lên. Các chương trình điều trị HIV được mở rộng. Việt Nam đã đạt được mục tiêu giảm số người nhiễm HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều thách thức. Đại dịch HIV/AIDS vẫn là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” mà Việt Nam lựa chọn trong năm 2024 đã thể hiện cam kết giải quyết những bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Chủ đề này cũng phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị phân biệt đối xử.
Tại lễ mít tinh, các đại biểu đã được nghe thông tin tổng quát về tình hình dịch bệnh HIV/AIDS và những thách thức để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Theo đó, ước tính hiện nay, cả nước có khoảng 249.000 người nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng. Mỗi năm, Việt Nam có thêm khoảng 10.000 người nhiễm HIV mới; tỷ lệ người nghiện ma túy điều trị bằng methanol, quan hệ tình dục đồng giới điều trị trước phơi nhiễm HIV còn thấp so với mục tiêu đặt ra... Đây là những thách thức không nhỏ trong công tác phòng, chống và chấm dứt dịch bệnh AIDS.
Để chấm dứt đại dịch vào năm 2030, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp có sự quan tâm thỏa đáng cho công tác phòng, chống, nhất là trong công tác phối hợp với ngành y tế để triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; chú trọng mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế ở các tuyến, nhất là vùng sâu, vùng xa; tập trung huy động nguồn lực cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.