Bất cập và yêu cầu từ thực tiễn
Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Nông có 47 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 5 sản phẩm OCOP hạng 4 sao. Thời gian qua, các cơ quan chuyên môn đã triển khai hỗ trợ các chủ thể OCOP ứng dụng công nghệ số phục vụ sản xuất, kinh doanh bằng nhiều giải pháp cụ thể như hỗ trợ đầu tư dây chuyền sản xuất tự động, thiết bị máy móc hiện đại; cấp mã QR truy xuất nguồn gốc, gắn tem mác, bảo đảm tính minh bạch, công khai và ổn định giá thành; xây dựng website quảng bá giới thiệu và bán sản phẩm…
Các sản phẩm đông trùng hạ thảo khô của Công ty TNHH MTV Phát triển NN CNC Nấm vàng và Hoa được giới thiệu bên lề Chương trình Gặp gỡ Việt Nam-Campuchia (ảnh: Nam Nguyễn) |
Dù đã tạo được nhiều chuyển biến, song việc ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ, phát triển sản phẩm OCOP hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khi đó ở góc độ quản lý Nhà nước, việc chậm số hóa trong xây dựng dữ liệu sản phẩm OCOP gây ra nhiều bất bập. Thực tế, với 26 chỉ tiêu khác nhau, một bộ hồ sơ sản phẩm tham gia Chương trình OCOP có thể lên tới hàng trăm trang giấy. Hồ sơ mỗi lần bổ sung, chỉnh sửa gây ra nhiều khó khăn. Vì thế, một số chủ thể ngại tham gia OCOP vì quá nhiều thủ tục, giấy tờ rườm rà, phức tạp. Bộ hồ sơ của một sản phẩm OCOP đòi hỏi rất nhiều thủ tục giấy tờ kê khai theo kiểu thủ công, không chỉ gây tốn kém chi phí mà trong trường hợp sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh của năm nay muốn tiếp tục phát triển lên 4 sao ở năm sau, chủ thể phải làm lại toàn bộ hồ sơ, giấy tờ mà không kế thừa, kết nối được bất kỳ dữ liệu nào với bộ hồ sơ cũ. Đây là một sự bất cập, khi các dữ liệu bằng giấy chưa được quản lý đồng bộ, thống nhất, gây khó khăn trong việc tra cứu, truy xuất, chỉnh sửa, bổ sung thông tin và không có tính kế thừa, hệ thống.
Những bất cập trên không chỉ gây phiền toái, khó khăn cho các chủ thể, mà còn tạo áp lực cho hội đồng đánh giá các cấp. Nguyên nhân hồ sơ chủ yếu vẫn là sổ sách, giấy tờ, khi cần tra cứu thông tin phải mất nhiều thời gian, chưa kể việc sắp xếp, lưu trữ hồ sơ giấy gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các hồ sơ giấy không có khả năng kết nối trực tiếp, đa phương tiện tới các chủ thể có sản phẩm được đánh giá và chứng nhận OCOP.
Năm 2021, sản phẩm bột ca cao và chocolate Duy Nghĩa của HTX Nông nghiệp Krông Nô được công nhận đạt OCOP hạng 3 sao (ảnh: N.N) |
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giám sát
Ngày 11/11/2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 653/KH-UBND thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đây là cơ sở rất quan trọng để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào quản lý, giám sát sản phẩm OCOP. Theo kế hoạch, UBND tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2023 sẽ xây dựng hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP đồng bộ, hiệu quả, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giám sát sản phẩm OCOP để triển khai thực hiện. Hàng năm, Đắk Nông phấn đấu đưa 100% sản phẩm OCOP lên ít nhất 1 sàn giao dịch thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, website.
Xây dựng hệ thống số trong quản lý, giám sát sản phẩm OCOP, UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số bằng các giải pháp cụ thể như xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP; số hóa quá trình chấm điểm, phân hạng sản phẩm; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc gắn với giám sát, chứng thực.
Về các nhiệm vụ cụ thể, UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở Nông nghiệp-PTNT chủ trì phối hợp với Sở Thông tin-Truyền thông triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát và quản lý sản phẩm OCOP, hỗ trợ các chủ thể đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Sở Khoa học - Công nghệ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương, phổ biến, hướng dẫn áp dụng quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Sở Khoa học - Công nghệ phối hợp với các ngành, địa phương triển khai áp dụng hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa OCOP của tỉnh Đắk Nông.
Các sản phẩm của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Quảng Phú, Krông Nô (ảnh: N.N) |
Cùng với đó, nhiều nhiệm vụ cụ thể cũng được đề ra như: hoàn thiện cơ sở hạ tầng số; xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm OCOP của tỉnh; đẩy mạnh kết nối các bên tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp (người dân, doanh nghiệp sản xuất/chế biến/cung ứng, ngân hàng, bảo hiểm, tổ chức khoa học công nghệ; hiệp hội; cơ quan quản lý…).
Việc số hóa dữ liệu, sản phẩm OCOP sẽ được tích hợp quy trình triển khai - quản lý cơ sở dữ liệu toàn bộ hồ sơ sản phẩm, thông tin đánh giá, xếp hạng OCOP trên toàn tỉnh. Quy trình này bao gồm từ bước chủ thể OCOP đăng ký tham gia nộp hồ sơ sản phẩm cho đến khi hồ sơ được đánh giá, xếp hạng các cấp, kiểm soát chất lượng sau khi đánh giá. Trong quy trình này, phần mềm hỗ trợ chủ thể kỹ năng cơ bản để nộp hồ sơ, gửi câu hỏi/yêu cầu phản hồi; hỗ trợ tổ giúp việc và hội đồng chấm sắp xếp viện dẫn tiêu chí chấm; tự động tổng hợp số điểm của từng thành viên, tự động xếp hạng và giúp cơ quan quản lý bao quát toàn bộ quy trình nhờ các chỉ số thống kê, biểu đồ, báo cáo được tự động tổng hợp cập nhật liên tục... Thông qua hệ thống phần mềm, các chủ thể của Chương trình OCOP sẽ chủ động tham gia, thực hiện nghiệp vụ và tạo nên một hệ thống cơ sở dữ liệu toàn diện.
Có thể nói, việc số hóa dữ liệu sẽ giúp quản lý toàn diện, trực tiếp, thống nhất, minh bạch toàn bộ dữ liệu của sản phẩm và Chương trình OCOP; quá trình thao tác trên phần mềm trực quan, dễ sử dụng.