Kinh tế

Đắk Nông hướng tới chế biến sâu cho cà phê

Trần Thị Thoan 03/12/2024 08:06

Để gia tăng giá trị ngành hàng cà phê, Đắk Nông xác định đầu tư mạnh cho chế biến, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao.

Bán thô 99,9%

Cà phê là 1 trong 4 cây trồng chủ lực của Đắk Nông. Sau Đắk Lắk và Lâm Đồng, Đắk Nông là tỉnh có diện tích cà phê lớn thứ 3 trong khu vực và cả nước, hiện đạt mức 131.000ha đang cho thu hoạch.

Cà phê là nguồn thu nhập chính của hàng ngàn hộ dân trong tỉnh. Dù vậy, giá trị kinh tế cây cà phê mang lại vẫn chủ yếu tập trung ở khâu canh tác và sơ chế thô, trong khi chế biến sâu vẫn còn hạn chế.

nhân thô
Cà phê Đắk Nông chủ yếu xuất bán hình thức nhân thô

Cà phê Đắk Nông chủ yếu được xuất bán dưới hình thức nhân thô. Điển hình như Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Thuận An (huyện Đắk Mil), với 190 ha cà phê, sản lượng đạt tiêu chuẩn sạch hơn 600 tấn nhân mỗi năm.

Ông Nguyễn Hữu Hạ, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, cho biết sản phẩm chế biến sâu của HTX còn rất ít, chủ yếu liên kết với các công ty, doanh nghiệp để bán nhân xô.

Nhờ đạt chất lượng cao, giá bán sản phẩm của HTX cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung thị trường. Tuy nhiên, ông Hạ nhận định rằng nếu xây dựng được chuỗi giá trị hàng hóa với chế biến sâu, giá trị sản phẩm sẽ tăng lên rất nhiều.

Huyện Đắk Mil hiện có trên 21.000ha cà phê, sản lượng hàng năm khoảng 57.200 tấn. Tuy nhiên, lượng cà phê chế biến sâu của huyện còn rất khiêm tốn, đặc biệt là sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Theo lãnh đạo UBND huyện Đắk Mil, phần lớn sản lượng cà phê hiện nay vẫn xuất thô, tiềm năng nâng cao giá trị vẫn chưa được khai thác tối ưu.

dsc_1004.jpg
Doanh nghiệp, HTX chế biến cà phê của Đắk Nông vẫn ở quy mô nhỏ

Thực tế ghi nhận, người trồng cà phê tại Đắk Nông chủ yếu áp dụng hai hình thức sơ chế chính: xát dập hoặc để nguyên trái phơi khô, sau đó xay xát thành nhân để bán cho tư thương hoặc doanh nghiệp; bán tươi cho đại lý hoặc thuê lò sấy, xay xát trước khi bán.

Cả hai hình thức sơ chế này đều chưa đáp ứng các tiêu chuẩn như TCVN 4193:1993, TCVN 4193:200, và TCVN 4193:2005, dẫn đến việc giảm giá trị sản phẩm trên thị trường.

Đắk Nông có 34 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sơ chế và chế biến cà phê. Sản lượng cà phê bột của tỉnh chỉ khoảng 400 tấn/năm, chiếm 0,1% tổng sản lượng cà phê của tỉnh. Cà phê nhân xô xuất khẩu, tiêu thụ chiếm 99,9% sản lượng cà phê của tỉnh.

Tìm giải pháp nâng cao giá trị ngành hàng cà phê

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, ngành hàng cà phê của tỉnh trong những năm gần đây đã có bước phát triển khá mạnh mẽ.

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị chế biến với các dòng sản phẩm và nhãn hiệu đa dạng như cà phê bột, cà phê giấy, cà phê uống liền thuộc chương trình OCOP. Tuy nhiên, chế biến sâu vẫn là khâu yếu của chuỗi ngành hàng này.

dsc_0939.jpg
Chế biến cà phê Đắk Nông có bước phát triển nhưng chưa mạnh

Liên quan đến nội dung này, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh đang nỗ lực triển khai các giải pháp để nâng cao giá trị ngành hàng cà phê.

Tỉnh đang phát triển vùng trồng quy mô lớn đạt chuẩn, đồng nhất về chất lượng sản phẩm cà phê. Đây sẽ là cơ sở để thu hút các doanh nghiệp lớn, đóng vai trò “cánh chim đầu đàn” đầu tư vào chế biến sâu cà phê tại Đắk Nông.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh phát triển, tăng quy mô liên kết và tập trung đầu tư cho chế biến sâu các sản phẩm cà phê.

Đặc biệt, tỉnh khuyến khích sản xuất các dòng sản phẩm cà phê đặc sản, có giá trị cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế, mang lại lợi ích cho người sản xuất.

dsc_0320.jpg
Chế biến sâu cà phê vẫn là khâu yếu ở Đắk Nông

Việc đầu tư mạnh vào chế biến sâu được xem là hướng đi chiến lược nhằm gia tăng giá trị cho ngành cà phê Đắk Nông. Khi chế biến sâu được phát triển đồng bộ, không chỉ giá trị kinh tế của ngành hàng tăng cao mà còn góp phần khẳng định vị thế cà phê Đắk Nông trên bản đồ nông sản quốc gia và quốc tế.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đắk Nông hướng tới chế biến sâu cho cà phê
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO