Đắk Nông hướng đến ngành hàng tơ tằm xuất khẩu
Đắk Nông đang hướng tới phát triển chuỗi liên kết trồng dâu, nuôi tằm, xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, hướng tới thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tạo nguồn thu nhập ổn định
Vài năm trở lại đây, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong), đã mạnh dạn phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm. Nhờ nghề này, bà con có nguồn thu nhập khá, giúp ổn định cuộc sống.
Năm 2018, sau khi được Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, gia đình chị H’Dơi, xã Quảng Sơn, đã mạnh dạn trồng 3 sào dâu để nuôi tằm.
Hiện nay, mỗi tháng chị nuôi 2 hộp tằm, thu nhập trên 15 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Chị H’Dơi cho biết: “Tôi thấy nghề này không khó, rất phù hợp cho bà con nông dân vùng sâu, vùng xa”.
Tương tự, gia đình chị H’Hồng, cũng trú ở xã Quảng Sơn, tham gia nghề trồng dâu, nuôi tằm từ năm 2020. Nhờ được tập huấn kỹ thuật, tham quan nhiều mô hình nuôi tằm giỏi trong xã, nên công việc của chị tương đối thuận lợi.
Mỗi tháng, chị H’Hồng nuôi một hộp tằm. Với giá kén tằm giữ ổn định ở mức từ 180.000 đồng/kg, mỗi tháng chị thu lãi gần 7 triệu đồng/hộp tằm.
Chị H’Hồng cho hay: “Lúc mới nuôi tằm tôi cũng gặp khó khăn. Nhưng bây giờ tôi thấy công việc nuôi tằm là bình thường. Nuôi tằm có thu nhập hàng tháng, nên gia đình đỡ khó khăn”.
Theo UBND huyện Đắk Song, trên địa bàn đang có hơn 353 ha cây dâu tằm. Đây là nguồn nguyên liệu lớn phục vụ cho hàng trăm hộ dân nuôi tằm.
Tạo vùng nguyên liệu tập trung
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, trồng dâu, nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với hộ có thu nhập thấp, thiếu vốn sản xuất, nhưng nghề này cũng đang gặp không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là đa số các hộ nuôi tằm đều yếu về kỹ thuật.
Việc đầu tư của hộ nuôi tằm chưa đáp ứng yêu cầu thị trường, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ, mạnh ai nấy làm, thiếu bền vững.
Mặt khác, nguồn vật tư đầu vào như: giống cây dâu, giống tằm, thuốc phòng bệnh, dụng cụ nuôi… đều phụ thuộc bởi các công ty, cơ sở ngoài tỉnh. Chính vì vậy, đầu ra sản phẩm cũng trở nên thiếu ổn định.
Một điều dễ nhận thấy là phần lớn nhiều hộ nuôi tằm ở Đắk Nông xem đây là nghề phụ, nên chưa có sự đầu tư bài bản. Điều kiện, môi trường nuôi tăm chưa bảo đảm, nên chất lượng kén thấp.
Thực tế này làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm tơ tằm của tỉnh. Đây cũng là yếu tố làm cho giá kén tằm ở Đắk Nông thường thấp hơn các tỉnh khác.
Trước thực tế đó, những năm qua, một số huyện như Đắk Glong, Krông Nô… đã xây dựng chính sách khuyến khích người dân ổn định vùng trồng dâu, nuôi tằm, nhân rộng những mô hình hiệu quả.
Đồng thời, các địa phương kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vốn, công nghệ, xây dựng nhà máy ươm tơ. Từ đó, hướng đến mục tiêu hình thành chuỗi liên kết trồng dâu, nuôi tằm tập trung, tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thời gian qua, các HTX, tổ hợp tác dâu tằm ở các địa phương còn phối hợp với các cấp hội nông dân, ngành Nông nghiệp, ngân hàng mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ thiết bị, nguồn vốn để mở rộng nghề trồng dâu, nuôi tằm.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, với sự tham gia tích cực của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, nghề trồng dâu, nuôi tằm của tỉnh đang từng bước định hình và phát triển.
Đây là cơ sở để hướng tới mục tiêu hình thành ngành hàng tơ tằm Đắk Nông có quy mô, chất lượng bảo đảm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.