Năm học 2024-2025, tỉnh Đắk Nông có 370 cơ sở giáo dục các cấp. Để đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn, ngành Giáo dục đang tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở vật chất, chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025.
Năm học 2024-2025, Trường mầm non Họa Mi, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa có khoảng 300 trẻ theo học các khối, lớp. Để phục vụ nhu cầu năm học mới, trường được đầu tư xây dựng dãy phòng học 2 tầng khang trang.
Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, Hiệu phó Trường mầm non Họa Mi, những năm trước đây, trẻ phải học trong các phòng học nhỏ, chật hẹp, công trình vệ sinh chưa bảo đảm. Từ năm học 2024-2025, các cháu được chuyển vào học ở các phòng học khang trang nên giáo viên và phụ huynh rất phấn khởi. Các phòng học cũ trường chuyển sang làm phòng chức năng, hiệu bộ. Hiện nay, 6 phòng học mới đã được bàn giao để đưa vào sử dụng ngay đầu năm học. Cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đang dọn dẹp khuôn viên, trang trí phòng học để đón trẻ ngày tựu trường.
Bước vào năm học 2024-2025, Trường tiểu học Lê Hồng Phong, phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa được đầu tư xây mới khu nhà vệ sinh sạch sẽ, hiện đại. Điều này, giúp nhà trường từng bước nâng cao chất lượng theo hướng đạt chuẩn mức độ 2.
Bà Phạm Thị Dung, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Hồng Phong cho biết: “Hiện nay trường đã đáp ứng được về số lượng phòng học. Tuy nhiên, dãy nhà cao tầng chính do xây dựng lâu năm nên bị xuống cấp. Từ nguồn tiết kiệm chi, trường đã đầu tư tu sửa như thực hiện chống thấm, sơn sửa lại sạch sẽ để phục vụ năm học mới. Trước thềm năm học mới, cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường tranh thủ dọn dẹp, tổng vệ sinh sân trường, trong và ngoài lớp học để đón học sinh”.
Năm học 2024-2025, toàn TP. Gia Nghĩa được đầu tư tổng kinh phí 17 tỷ đồng xây mới, cải tạo, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị. Ông Nguyễn Tỵ, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Gia Nghĩa cho biết: “UBND và ngành Giáo dục thành phố chủ động chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đồ dùng dạy phục vụ năm học mới. Trong đó, phòng tham mưu thành phố cải tạo, nâng cấp các công trình phòng học, phòng chức năng đã xuống cấp. Đối với trang thiết bị, phòng chú trọng bổ sung trên nguyên tắc kế thừa những thiết bị đã có, khuyến khích các nhà trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và sử dụng các phần mềm thay thế các thiết bị dạy học phù hợp”.
Cùng với TP. Gia Nghĩa, chuẩn bị cho năm học 2024-2025, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm, ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư, sửa chữa, xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tiêu chí trường chuẩn quốc gia.
Tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ năm học 2024-2025 ước tính khoảng 335,58 tỷ đồng, trong đó 324,26 tỷ đồng xây mới phòng học, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất.
Sở GD-ĐT đầu tư cải tạo, sửa chữa nâng cấp các trường THPT DTNT, trường THPT với tổng vốn trên 33,14 tỷ đồng.
Tăng cường xã hội hóa kinh phí đầu tư
Dự kiến quy mô phát triển năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 370 cơ sở giáo dục, trong đó, giáo dục mầm non có 129 trường; bậc tiểu học có 118 trường; bậc THCS có 80 trường; bậc THPT có 33 trường. Toàn tỉnh có 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên-Ngoại ngữ, Tin học tỉnh và 7 Trung tâm GDNN - GDTX huyện; 2 Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Ngoài đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, ngành Giáo dục thực hiện các gói thầu mua sách, vở học sinh dân tộc, thiết bị mầm non, bàn ghế học sinh và bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu, thiết bị chương trình phổ thông mới, thiết bị hỗ trợ học trực tuyến tổng kinh phí 11,32 tỷ đồng.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết ngay sau khi kết thúc năm học 2023-2024, ngành Giáo dục đã yêu cầu các phòng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục tiến hành rà soát lại cơ sở vật chất, trang thiết bị và báo cáo về nhu cầu đầu tư ở từng đơn vị. Trên cơ sở đó, ngành Giáo dục và các địa phương sẽ ưu tiên phân bổ vốn để đầu tư xây mới, sửa chữa trước đối với các cơ sở cấp thiết, ưu tiên bố trí vốn cho các trường vùng sâu, vùng xa và các trường đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia.
Trong năm học 2023-2024, các địa phương, cơ sở giáo dục đã huy động xã hội hóa được 20,087 tỷ đồng để phát triển giáo dục. Năm học 2024-2025, ngành tiếp tục động viên các cơ sở đẩy mạnh công tác xã hội hóa đúng tinh thần để sửa chữa các công trình nhỏ, góp phần xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, phục vụ tốt cho nhu cầu học tập của con em trên địa bàn.
Hiện nay, sở đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đốc thúc các nhà thầu khẩn trương hoàn thiện các công trình, bàn giao đúng kế hoạch để phục vụ nhu cầu của các cơ sở giáo dục trong năm học mới.
Sở kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố tập trung ưu tiên phân bổ kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học và trang thiết bị đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, kêu gọi sự ủng hộ, hỗ trợ kinh phí của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, xã hội hóa việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Các địa phương bổ sung nguồn kinh phí thực hiện duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất nhằm chống xuống cấp công trình, bổ sung các thiết bị hư hỏng khác.