Đắk Nông hỗ trợ nông dân thích ứng biến đổi khí hậu
Nông dân được các cấp, các ngành tư vấn, hỗ trợ, đồng hành để thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển sản xuất hiệu quả.
Với chủ đề “Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu”, Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đối thoại với nông dân năm 2024 tổ chức mới đây được nông dân quan tâm.
Chị Hoàng Thị Mỹ Linh ở thôn Cao Lạng, xã Đắk D’rông, huyện Cư Jút đặt câu hỏi: "Trong những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông chịu tổn thất nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra. Vậy trong thời gian tới, UBND tỉnh, các ngành có những định hướng và giải pháp như thế nào để giúp bà con nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu để bảo đảm cuộc sống?”.
Với câu hỏi này, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN - PTNT giải đáp: Biến đổi khí hậu là vấn đề rất nóng, nhận được sự quan tâm của tất cả chúng ta.
Nông nghiệp là lĩnh vực dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Đứng trước tình hình này, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN - PTNT đã tham mưu ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 17/8/2022 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Phạm Tuấn Anh cũng cho biết, năm 2024, Đắk Nông bị ảnh hưởng bởi các thiệt hại từ thiên tai đến trên 8.000ha cây trồng. Tuy nhiên, nhờ các giải pháp chủ động và sự thích ứng của bà con nông dân nên việc ảnh hưởng được giảm thiểu rất lớn.
Về lâu dài, ngành Nông nghiệp và tỉnh triển khai các giải pháp và mang lại hiệu quả tích cực. Đó là, giải pháp về chuyển đổi cây trồng. Những loại cây trồng độc canh thì được chuyển đổi theo hướng đa cây, đa tầng canh tác để hạn chế rủi ro. Tỉnh khuyến khích nông dân trồng các cây chịu hạn cao nhưng vẫn có năng suất, chất lượng tốt.
Tỉnh khuyến khích và được bà con thay đổi phương thức canh tác. Bà con kết hợp giữa sản xuất truyền thống và hiện đại. Bà con đã hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc hóa học độc hại mà chuyển sang sản xuất hữu cơ, từ đó nâng cao sức khỏe cho đất, sức khỏe cho cây trồng, tiết kiệm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị sản phẩm.
Ngoài ra, nhờ các chương trình, dự án hỗ trợ mà bà con đã từng bước tổ chức sản xuất theo hướng giảm phát thải. Cụ thể, tại Gia Nghĩa và Đắk R’lấp đã có 3.000ha cà phê sản xuất theo hướng giảm phát thải. Đó là những giải pháp, phương thức được ngành Nông nghiệp và UBND tỉnh triển khai.
Thời gian tới, tỉnh sẽ hỗ trợ nông dân lựa chọn giống cây trồng tăng khả năng chống chịu, tiết kiệm nước, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Nông dân Nguyễn Công Khanh, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil chia sẻ: "Chúng ta cần nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Tỉnh nên thị sát và có giải pháp điều tiết nước, quản lý trữ nước, xả nước tại các hồ đập, công trình thủy lợi để chăm sóc cây trồng".
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên nhấn mạnh, phải có các giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đắk Nông phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Những năm qua, UBND tỉnh Đắk Nông rất quan tâm đến các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng hành cùng nông dân để phát triển nông nghiệp bền vững.
Đắk Nông đang tích cực triển khai các giải pháp bảo vệ rừng, trồng rừng. Tỉnh tiếp tục huy động nguồn vốn đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ người dân sản xuất.
Năm 2024, Đắk Nông đã xảy ra 10 đợt mưa lớn kèm gió lốc, gây thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng ước tính khoảng 27 tỷ đồng. Mùa khô năm 2024, Đắk Nông có trên 8.806ha diện tích cây trồng bị ảnh hưởng, thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 430 tỷ đồng.