Đắk Nông hành động để hiện thực hóa quy hoạch
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông đã được Chính phủ phê duyệt. Để hiện thực hóa quy hoạch, các sở, ngành Đắk Nông đang vào cuộc một cách tích cực.
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông đã được Chính phủ phê duyệt. Để hiện thực hóa quy hoạch, các sở, ngành Đắk Nông đang vào cuộc một cách tích cực.
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. Hiện nay, Đắk Nông đang xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch để trình Thủ tướng phê duyệt.
Sở KH-ĐT xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm thực hiện hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, định hướng phát triển của quy hoạch tỉnh đã đề ra.
Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Đình Ninh, đơn vị tích cực tham mưu UBND tỉnh tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để thu hút các nguồn từ ngân sách Trung ương, nguồn vốn ODA và nguồn tài trợ khác vào đầu tư hạ tầng trọng điểm.
“Chúng tôi tổ chức thực hiện tốt từ khâu quy hoạch chi tiết, xây dựng kế hoạch hiệu quả, khả thi để các công trình, dự án trọng điểm phát huy hiệu quả. Về phía Trung ương, đơn vị đề xuất bảo đảm các công trình, dự án được thực hiện đầy đủ trong quy hoạch, kế hoạch đầu tư của quốc gia. Trên cơ sở này, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách và xem đây là đột phá để thực hiện quy hoạch tỉnh”, Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Đình Ninh chia sẻ.
Với mục tiêu tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2030 là 9,05%, Đắk Nông dự kiến huy động tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trên 345.000 tỷ đồng.
Trong đó, Quy hoạch tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống đồng bộ quy hoạch; hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; các chương trình, dự án để triển khai thực hiện quy hoạch; xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2025…
Kế hoạch sử dụng đất là cụ thể hóa quy hoạch sử dụng đất nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, những năm qua, công tác này vẫn còn chậm trễ.
Theo Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Văn Hiệp, hiện nay, quy hoạch chung đã được phê duyệt. Đối với Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp tỉnh, Sở TN-MT đã phối hợp đơn vị tư vấn lập kế hoạch sử dụng đất cụ thể.
“Chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông lập danh mục các công trình, dự án trước khi xét duyệt kế hoạch sử dụng đất của các huyện. Đơn vị tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông về việc chấn chỉnh công tác lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm đúng thời gian, nâng cao chất lượng. Bởi kế hoạch thực hiện sớm sẽ đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tránh chồng chéo với các quy hoạch ngành”, ông Hiệp cho biết.
Trong lộ trình thời gian tới, Sở TN-MT tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý, sử dụng đất. Đơn vị chủ động hướng dẫn các đơn vị quản lý, sử dụng đất xây dựng phương án quản lý, sử dụng những diện tích thu hồi hiệu quả.
Đến 2030, Đắk Nông phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị thị trường. Muốn làm được điều này, nhiệm vụ lớn nhất của ngành Nông nghiệp xác định vẫn là đẩy mạnh tái cơ cấu toàn ngành, nhằm nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, sinh thái.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông Phạm Tuấn Anh, Đắk Nông sẽ chuyển đổi cây trồng kém thích nghi, hiệu quả kinh tế thấp thay thế, ưu tiên các cây trồng có lợi thế, nhu cầu lớn.
Đắk Nông tập trung phát triển các ngành hàng có tiềm năng, thị trường như: heo thịt, thịt gia cầm; phát triển kinh tế rừng thông qua trồng rừng kinh tế, trồng cây đa mục đích, dược liệu dưới tán rừng, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
“Chúng tôi tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công hệ cao. Trong đó, trọng tâm vẫn là hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất, tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản. Tất cả tập trung mở rộng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chứng nhận để giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm”, ông Anh cho biết.
Hàng năm, ngành Nông nghiệp chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, phát triển sản phẩm OCOP. Quá trình thúc đẩy xúc tiến thương mại, thương mại điện tử để phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm sẽ được tỉnh đẩy mạnh.
Đến năm 2030, Đắk Nông phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của quốc gia. Đắk Nông phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 20% đến năm 2030.
Hiện nay, quy hoạch tỉnh đã xác định danh mục các dự án về công nghiệp và thương mại. Giai đoạn 2021-2030, Đắk Nông có gần 100 dự án về công nghiệp, thương mại được phê duyệt.
Ngành Công thương tập trung tham mưu các chính sách ưu đãi như miễn, giảm tiền thuê mặt bằng, tiền sử dụng đất, thuế, nguồn vốn hỗ trợ.
Bởi vì, đây là cơ sở để khuyến khích, thu hút các dự án phát triển công nghiệp bô xít-alumin-nhôm, năng lượng tái tạo và các dự án chế biến nông sản công nghệ cao từ nguồn nguyên liệu của tỉnh. Đơn vị tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy trình, thủ tục theo hướng dẫn thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.
Sở Công thương đang tập trung theo dõi, tham mưu UBND tỉnh xử lý kiến nghị các dự án trọng điểm như: Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ; Dự án Nhà máy Điện phân nhôm Trần Hồng Quân… Với vai trò đầu mối, đơn vị sẽ tiếp tục huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong, ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp có lợi thế.
Đắk Nông sẽ phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng đô thị. Tỉnh sử dụng hiệu quả đất đai, tập trung phát triển đô thị là trung tâm các vùng động lực chính của tỉnh. Đến năm 2023, Đắk Nông phấn đấu có 10 đô thị các loại.
Để đạt mục tiêu này, Sở Xây dựng bám sát chỉ đạo của cấp trên về phát triển đô thị. Đây là cơ sở để điều chỉnh lộ trình phát triển đô thị tại Đắk Nông phù hợp với thực tế phát triển đô thị từng giai đoạn.
“Sở Xây dựng tập trung nâng cao chất lượng quản lý xây dựng theo quy hoạch, hạn chế sự chồng chéo. Quy hoạch đô thị, nông thôn tiếp tục được chúng tôi rà soát, đánh giá để có điều chỉnh kịp thời, phù hợp với tình hình địa phương”, Giám đốc Sở Xây dựng Phan Nhật Thanh khẳng định.
Đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Nông xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, chính sách về đền bù giải phóng mặt bằng. Từ đây, địa phương tạo quỹ đất sạch, từng bước kêu gọi các nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển đô thị.
Công tác điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập các đơn vị hành chính đô thị, nông thôn sẽ được triển khai theo hướng tinh gọn. Trên tinh thần không tăng đơn vị hành chính và đạt tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị theo quy định.
Ngành Xây dựng tiếp tục đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án phát triển đô thị bằng các nguồn vốn, lồng ghép chương trình mục tiêu có liên quan. Từ đây, các nguồn lực sẽ được tổng hợp, cộng hưởng trong suốt quá trình phát triển đô thị trên địa bàn.
“Đắk Nông sẽ hướng tới mục tiêu phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Địa phương kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy sự phát triển kinh tế”, ông Thanh khẳng định.
Theo lộ trình, đến năm 2030, Đắk Nông phát triển mạng lưới đường cao tốc, quốc lộ trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia.
Trong đó, bao gồm tuyến đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); tuyến đường cao tốc Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Gia Nghĩa (Đắk Nông). Địa phương xây dựng tuyến đường sắt Đắk Nông – Chơn Thành thuộc tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên theo quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia.
Tỉnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, kết nối thuận lợi. Địa phương đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo 9 đường cấp tỉnh để tạo thành mạng lưới hài hòa, tăng khả năng kết nối.
Sở GT-VT tận dụng tối đa nguồn lực, đặc biệt là sự ủng hộ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu, các nguồn vốn ODA, PPP, các nguồn vốn khác, Sở GT-VT tham mưu UBND tỉnh ưu tiên phát triển các trục đường thiết yếu theo quy hoạch, các tuyến đường đông dân cư, các công trình thiết yếu, huyết mạch…
Với vai trò đơn vị đầu mối, chúng tôi ưu tiên phối hợp với Bình Phước để triển khai dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Sở GT-VT sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương, Bộ GTVT quan tâm, sớm triển khai đầu tư nâng cấp quốc lộ 28 đoạn Gia Nghĩa - Quảng Khê - Đắk Som, đoạn qua thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) và thị trấn Ea T’ling (Cư Jút). Đắk Nông đề xuất Bộ GTVT quan tâm, sớm xúc tiến triển khai xây dựng hoàn thiện tuyến cao tốc và đường sắt kết nối với Bình Phước.
Du lịch được xác định là một trong ba trụ cột chính của Đắk Nông trong giai đoạn tới. Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có để đẩy mạnh xúc tiến hút đầu tư du lịch là nhiệm vụ ngành Văn hóa đặt lên hàng đầu..
“Chúng tôi lên kế hoạch tích cực tham gia các hoạt động, chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước và quốc tế. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch sẽ được gắn với các sự kiện kinh tế - xã hội của tỉnh như: Hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ thương mại, các giải đấu thể thao mang tầm quốc gia và khu vực...”, Giám đốc Sở VH-TT&DL Lê Ngọc Quang thông tin.
Theo ông Quang, công tác quảng bá sẽ được đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá xúc tiến du lịch.
Trong đó, tỉnh chú trọng các chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố như: TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bình Phước, Mondulkiri (Campuchia), liên kết du lịch Đắk Nông với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và duyên hải miền Trung.
Chương trình hợp tác với các công viên địa chất toàn cầu thuộc Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu và Việt Nam để tăng cường. Địa phương tổ chức các đoàn khảo sát, liên kết sản phẩm du lịch đến các tỉnh bạn, các nước. Tỉnh sẽ mời các doanh nghiệp du lịch tỉnh bạn đến tỉnh để kết nối sản phẩm du lịch, tuyến, tour du lịch.
Việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch sẽ được toàn ngành Văn hóa đẩy mạnh. Trong đó, đơn vị tập trung phát triển sản phẩm du lịch có tính đặc thù cao, phù hợp với nhu cầu thị trường, nâng cao sức cạnh tranh và thu hút du khách đến với Đắk Nông.
“Chúng tôi ưu tiên chú trọng phát triển 4 loại hình sản phẩm, gồm: sản phẩm du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch dựa vào cộng đồng; du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó, du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông giữ vai trò chủ đạo. Đây được xem là điểm nhấn khác biệt trong sản phẩm du lịch của Đắk Nông thời gian tới”, ông Quang nhấn mạnh.
Nội dung: Nguyễn Lương
Trình bày, đồ họa: Thế Huy - N.Hiền