Thời sự Đắk Nông

Đắk Nông góp ý chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản

Lê Dung 18/07/2024 19:04

Sáng 18/7, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đã chủ trì cuộc họp giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.

luat-1-.jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười kiến nghị một số nội dung liên quan đến quy hoạch bô xít trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản

Dự cuộc họp có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, Thường trực Ủy ban Pháp luật; đại diện Bộ TN-MT; đại diện Đoàn ĐBQH và UBND các tỉnh Đắk Nông và Bình Phước.

Tại cuộc họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung liên quan đến quy hoạch bô xít trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.

Cụ thể, ngoài 4 nhóm khoáng sản đã được phân loại tại Điều 7, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Đắk Nông đề nghị bổ sung thêm nhóm khoáng sản đặc thù bô xít. Từ đó có giải pháp đặc thù về quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác; đóng cửa mỏ và tổ chức tiến hành thu hồi, bảo vệ khoáng sản phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Đắk Nông đề nghị Chính phủ quy định các vấn đề liên quan đến tính đặc thù của khoáng sản bô xít như: cấp phép, thăm dò, khai thác, thu hồi, đóng cửa mỏ, hoàn thổ; quyền lợi của đối tượng sử dụng đất; trách nhiệm của doanh nghiệp cấp phép khai thác bô xít; phân cấp quản lý hoạt động thu hồi bô xít....

daknong_doan-luat-dcks-e7e426d15893dbfb2399e824a1c7bb92-1-.jpg
Đắk Nông mong muốn những điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ tạo điều kiện để địa phương phát triển, đi lên cùng cả nước

Ngoài ra, Đắk Nông đề nghị điều chỉnh quy định tại điểm D, Khoản 2, Điều 5, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản thành: “Công tác quy hoạch, lập dự án thăm dò, khai thác khoáng sản, lựa chọn các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội trong khu vực phát hiện có khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản”…

Tại cuộc họp, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các quy định hiện hành về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản, khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Qua đó, đề xuất các nội dung cần nghiên cứu, quy định trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.

Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7, với 77 ý kiến phát biểu tại tổ, 18 ý kiến phát biểu tại hội trường. Trong đó, đa số ý kiến đồng tình với mục đích xây dựng luật, nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng.

Từ đó, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là các luật có liên quan đến lĩnh vực địa chất, khoáng sản.

daknong_luat-2a4f773d8c5c45f4aedf0768839ed8d0-1-.jpg
Dự kiến, Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV

Việc xây dựng luật được kỳ vọng sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành đã được tổng kết, đánh giá. Qua đó, bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, tính minh bạch trong việc kiểm soát hoạt động khoáng sản và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của ngành địa chất, khoáng sản.

Dự kiến, Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV.

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông góp ý chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO