Giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Thời gian qua, các cấp chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, thậm chí cầm tay chỉ việc cho người dân ở vùng sâu, vùng xa xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong đang từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế.
Theo ông Nguyễn Đức Tín, Chủ tịch UBND xã Đắk R’măng, tuy Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người dân xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế nhưng bản thân người dân phải tự nỗ lực vươn lên mới thành công. Do đó, bên cạnh việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách, thì thời gian qua, các cấp, ngành, đoàn thể của xã còn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phát huy tinh thần tự giác, tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế.
Điều đáng ghi nhận, qua tuyên truyền, vận động, người dân ngày càng ý thức tự chủ, tự lực trong phát triển kinh tế, không còn trông chờ, ỷ lại vào Đảng, Nhà nước như trước.
Nhờ đó, nhiều hộ dân đã chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế về kinh tế nông nghiệp, phát triển các mô hình hiệu quả, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đơn cử như gia đình ông Cù Văn Đức, ở bon Păng Suôi hiện đã có cuộc sống khá giả hơn trước. Để có được kết quả này, ông Đức không chỉ nỗ lực, chăm chỉ làm ăn mà còn mạnh dạn thay đổi tư duy các làm trong phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Cụ thể, thay vì độc canh trong sản xuất nông nghiệp, gia đình ông Đức phát triển kết hợp giữa trồng trọt khoảng 1ha cà phê, hồ tiêu với chăn nuôi 4 con trâu, 6 con heo và hàng chục con dê. Bên cạnh đó, ông còn mạnh dạn trồng gần 7 sào dứa để chuyển đổi cây trồng và nâng cao thu nhập.
Ông Đức cho biết: “Gia đình tôi từ phía Bắc vào đây lập nghiệp, nên khó khăn mình không sợ. Khi vào đây, chúng tôi luôn cố gắng lao động, kết hợp trồng nhiều loại cây trồng, vật nuôi để bù trừ cho nhau. Gia đình cũng tận dụng phân từ việc chăn nuôi để bón cho cây trồng nên cũng đỡ một phần chi phí. Kinh tế ổn định, gia đình tôi có điều kiện để tái đầu tư cho cây trồng, vật nuôi. Đời sống gia đình vì vậy cũng nâng cao hơn trước”.
Đạt nhiều kết quả về giảm nghèo
Theo ông Hoàng Viết Nam - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, sau gần 20 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp người dân trên địa bàn tỉnh đã ra sức thi đua lao động, sản xuất, đẩy lùi lạc hậu, đói nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện phần lớn người dân đã không còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào các dân tộc tỉnh đã chủ động khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức.
Trong sản xuất nông nghiệp, bà con đã biết khai thác những lợi thế, tiềm năng về khí hậu, đất đai, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, đáng phấn khởi là năng suất các loại cây ăn quả và cây công nghiệp chủ lực như điều, cà phê, hồ tiêu, caosu... đều tăng mạnh so với trước đây.
Nhờ thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách, nhất là với sự nỗ lực vươn lên không ngừng của đồng bào các dân tộc, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tỉnh Đắk Nông cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh Đắk Nông năm 2021 là 11,19% thì đến cuối năm 2022 tỉ lệ hộ nghèo chung của tỉnh còn 7,97%.
Kết quả trên đã đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đề ra (phấn đấu hằng năm giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều mới).