Kinh tế

Đắk Nông giám sát chặt vùng trồng sầu riêng xuất khẩu

Kim Ngân 20/03/2023 05:00

Đắk Nông đã có 8 cơ sở, trang trại sầu riêng được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc. Các cơ quan chức năng đang giám sát chặt quy trình chăm sóc tại các vùng trồng sầu riêng đã được cấp mã số. 

Mã số vùng trồng (MSVT) là một mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Đến thời điểm này, tỉnh Đắk Nông có 8 MSVT và cơ sở đóng gói sầu riêng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt, với tổng diện tích trên 252 ha.

dsc_1241(1).jpg
Các nông hộ được cấp mã số áp dụng quy trình nông nghiệp tốt (GAP) để nâng cao chất lượng sầu riêng

Cũng như các cá nhân, đơn vị khác, Trang trại sầu riêng Gia Trung, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) được cấp giấy chứng nhận MSVT cho 17 ha sầu riêng. Ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trang trại  rất vui, vì từ nay hàng trăm tấn sầu riêng của ông được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Theo ông Trung, muốn đăng ký MSVT, người sản xuất phải tham gia các lớp tập huấn. Trong đó, nông hộ được hướng dẫn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ vùng trồng, biện pháp sản xuất, quản lý dịch hại, sinh vật gây hại…

Ngoài ra, Trang trại sầu riêng Gia Trung còn phải tuân thủ thêm quy trình sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật do GACC yêu cầu.

Theo ông Nguyễn Văn Luyện, quản lý kỹ thuật gần 60 ha sầu riêng của Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu Bảy Ngũ Hiệp, xã Đắk Nia, để được cấp MSVT, ngay từ khi trồng sầu riêng, Công ty đã chăm sóc vườn cây theo tiêu chuẩn VietGAP. Toàn bộ khâu chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh được quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ.

Công ty gần như nói không với phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Ông Nguyễn Văn Luyện cho hay: “Để vườn cây được GACC xác nhận MSVT, chúng tôi áp dụng các biện pháp sinh học để chăm sóc vườn sầu riêng. Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng bẫy côn trùng, định vị toạ độ để GACC nắm bắt quá trình làm hoa, làm trái của mình”.

Tỉnh Đắk Nông có hơn 6.000 ha sầu riêng, trong đó diện tích cho sản phẩm 2.039 ha, năng suất bình quân đạt 12 tấn/ha, sản lượng đạt 24.497 tấn. Để việc xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc được thuận lợi, giải pháp hiện nay đang được ngành Nông nghiệp, các địa phương thực hiện là quản lý, giám sát chặt chẽ đối với các cá nhân, đơn vị được cấp mã số.

dsc_8857(2).jpg
Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu Bảy Ngũ Hiệp quản lý việc chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh nghiêm ngặt, chặt chẽ.

Theo ông Nguyễn Thiện Chân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, Chi cục đã tăng cường hướng dẫn và giám sát vùng trồng tại tất cả các hộ tham gia sản xuất. Đơn vị đã triển khai công tác phối hợp trong việc kiểm tra, kiểm dịch thực vật đối với những lô hàng từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã có mã số.

Qua đó, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Việt Nam và Trung Quốc đối với sản phẩm sầu riêng. Đối với diện tích chưa có mã số, Chi cục sẽ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các khâu trong sản xuất, đóng gói, thực hiện nghiêm quy trình thiết lập và giám sát MSVT, cơ sở đóng gói của Cục bảo vệ thực vật để đăng ký cấp mã số phục vụ sản xuất.

Theo tinh thần của Nghị định thư được ký kết giữa Bộ NN - PTNT và GACC, tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Trong đó, việc áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), bảo đảm  các điều kiện vệ sinh vườn trồng, cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ ngay những quả rụng, thối, hỏng là tiêu chuẩn đầu tiên.

Ngoài ra, các vùng trồng phải lưu giữ hồ sơ giám sát, kiểm soát sinh vật dịch hại, hồ sơ này sẽ được cung cấp cho GACC khi có yêu cầu. "Đối với hồ sơ phòng trừ sinh vật gây hại bằng biện pháp hóa học thì phải ghi các thông tin cụ thể bao gồm tên thuốc, hoạt chất, ngày sử dụng và liều lượng sử dụng trong quá trình canh tác", ông Chân cho biết thêm.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đắk Nông giám sát chặt vùng trồng sầu riêng xuất khẩu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO