Kinh tế

Đắk Nông giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa

Trần Thị Thoan 09/01/2024 05:30

Đắk Nông nỗ lực triển khai các giải pháp canh tác lúa bền vững, trong đó góp phần giảm phát thải khí nhà kính (KNK).

Nông nghiệp Đắk Nông là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Trong đó, đối với ngành trồng trọt, canh tác lúa, tác động rõ nhất là diện tích đất canh tác suy giảm, tình trạng hạn hán và sâu bệnh.

Hàng năm, diện tích sản xuất lúa của tỉnh khoảng 13.000 ha, sản lượng thóc đạt khoảng 84.000 tấn. Những năm qua, người trồng lúa Đắk Nông đã mạnh dạn đưa những giống, kỹ thuật tiên tiến vào canh tác đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, hàng năm, người trồng lúa ở các địa phương vẫn phải đối diện với nhiều nguy cơ lớn đến suy giảm năng suất cây trồng, sinh kế của người nông dân và cơ hội thương mại nông sản.

dsc_0702(1).jpg
Người dân xã Nâm N'đir (Krông Nô) sạ, cấy lúa thưa để giảm phân bón, giảm phát thải KNK

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Đắk Nông, nông nghiệp Việt Nam chiếm 30% tổng lượng phát thải KNK toàn quốc. Phát thải KNK trong nông nghiệp tập trung chủ yếu trong 3 lĩnh vực chính: trồng lúa nước phát thải 49,7 triệu tấn CO2 quy đổi (CO2e); chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2e; quản lý đất và sử dụng phân bón phát thải 13,2 triệu tấn CO2e.

Về nguyên nhân làm tăng phát thải KNK trong sản xuất lúa, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), lúa gạo là mặt hàng nông nghiệp quan trọng của Việt Nam nhưng lại chiếm tới 48% lượng phát thải KNK của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí thải mê tan, tương đương với lượng phát thải khoảng 49,6 triệu tấn mỗi năm.

Phát thải khí trong trồng lúa nước chủ yếu là phát thải khí CH4 (metan). Loại khí này sinh ra chủ yếu do các chất hữu cơ bị phân hủy trong điều kiện yếm khí khi ruộng lúa bị ngập nước.

Do đó, để giảm phát thải KNK trong trồng lúa nước cần thực hiện đồng bộ các biện pháp như, áp dụng công nghệ với chế độ tưới nước chủ động khô và ngập nước thay vì để các ruộng lúa ngập nước trong suốt cả mùa vụ, từ đó giúp giảm phát thải khí metan.

Tuy nhiên, với giải pháp này cần xây dựng hệ thống thủy lợi chủ động để áp dụng công nghệ phù hợp và cũng đòi hỏi chi phí đầu tư tương đối lớn.

Trong khi đó, hiện nay, tại một số vùng trồng lúa lớn của tỉnh, hệ thống thủy lợi vẫn còn chưa đồng bộ. Các nguy cơ về thiếu nước tưới vào mùa khô, ngập úng vào mùa mưa lũ luôn hiện hữu, nhất là các cánh đồng dọc sông Krông Nô, huyện Krông Nô. Sạt lở bờ sông cũng đang gây ra thiệt hại cả về diện tích đất và hạ tầng thủy lợi ở ven con sông này.

Để giảm thiểu phát thải NNK, hiện nay ngành NN-PTNT tỉnh đang đẩy mạnh các giải pháp như sử dụng nước hiệu quả, giảm mật độ cây giống trong gieo sạ, tỷ lệ bón phân hữu cơ cân đối, thu hoạch rơm rạ đúng cách…

Hàng năm, các huyện đều xây dựng kế hoạch chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng cạn khác góp phần giảm phát thải KNK.

Năm 2023, diện tích đất lúa được chuyển đổi nhiều nhất là ở Krông Nô với 100 ha, tiếp đến là Đắk Mil 36,8ha, Đắk Song 37ha, Đắk R’lấp 22ha, Cư Jút 20 ha, Đắk Glong 20ha, Tuy Đức 5ha và TP. Gia Nghĩa 2,35ha.

Ngoài ra, các địa phương cần thực hiện chuyển đổi đất sản xuất 2-3 vụ lúa sang sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ màu. Để đạt hiệu quả bền vững, đòi hỏi mỗi địa phương phải có quy hoạch cụ thể liên quan đến sản xuất, thị trường sản phẩm cũng như chi phí đầu tư cải tạo hệ thống thủy lợi, cơ sở chế biến.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO