Giáo dục - Đào tạo

Đắk Nông giải bài toán thiếu giáo viên để bảo đảm dạy và học

Nguyễn Hiền 15/09/2024 - 14:25

Tỉnh Đắk Nông triển khai nhiều giải pháp để từng bước khắc phục và thích nghi với tình trạng thiếu giáo viên. Nhờ đó, ngành Giáo dục đã phần nào bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ các năm học.

ADQuảng cáo

Các trường phát huy nội lực

Xác định việc thiếu giáo viên là tình trạng chung hiện nay của toàn ngành Giáo dục nên các cơ sở giáo dục tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mình đã có những giải pháp phù hợp để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ dạy và học.

Theo đó, ở những đơn vị có số lượng giáo viên thiếu nhiều, cán bộ quản lý ngoài dạy các tiết theo quy định còn tăng tiết để đáp ứng yêu cầu số tiết học cho học sinh theo quy định.

img_0313.jpg
Năm học 2024-2025, Trường tiểu học N’Trang Lơng ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong thực hiện dồn lớp, giảm tiết để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Năm học 2024-2025, Trường tiểu học N’Trang Lơng, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong có 1.310 học sinh. Học sinh đông nhưng hiện trường chỉ có 40 giáo viên. Nếu thực hiện theo quy định 25 học sinh/lớp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì trường thiếu 12 giáo viên.

Ông Nguyễn Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường tiểu học N’Trang Lơng cho biết: “Để bảo đảm việc dạy và học, trường đã tiến hành dồn học sinh xuống còn 31 lớp nhưng vẫn thiếu 7 giáo viên. Vì vậy, trường tiếp tục giảm số buổi học của các lớp từ 9 buổi/tuần xuống còn 8 buổi/tuần. Trường động viên giáo viên các bộ môn dạy tăng tiết để bảo đảm tiết học cho học sinh các khối lớp”.

img_3872.jpg
Giáo viên Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm ở xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức luôn quan tâm sát sao từng học sinh để kịp thời hỗ trợ

Cô giáo Trần Thị Bích Ngọc, Chủ nhiệm lớp 3A, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức chia sẻ: “Theo quy định mỗi lớp có 25 học sinh nhưng do thiếu giáo viên nên hầu như lớp nào cũng tăng lên từ 35-40 em. Lớp đông đã ảnh hưởng phần nào đến triển khai các nội dung dạy và học nhưng giáo viên vẫn cố gắng để thực hiện tốt nhất có thể các phương pháp dạy học mới, trong đó chú trọng theo dõi từng em để kịp thời hỗ trợ, không để các em “tụt” lại phía sau chỉ vì lớp đông".

Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai ở phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa cho giáo viên bồi dưỡng chuyên môn để phụ trách bộ môn Tin học
Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa cử giáo viên bồi dưỡng chuyên môn để phụ trách bộ môn Tin học

Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai ở phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa hàng năm có hơn 1.100 học sinh các khối lớp. Bà Trần Thị Hường, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai thông tin, năm học 2024-2025, trường thiếu 3 giáo viên. Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Tin học là môn học bắt buộc đối với lớp 3, 4 và lớp 5.

Tuy nhiên, đến nay, trường vẫn chưa có giáo viên chuyên môn Tin học. Để khắc phục, trường cử một giáo viên có chứng chỉ trình độ Tin học B đi tập huấn, bồi dưỡng thêm để dạy môn Tin học. Tuy nhiên, một giáo viên không thể đảm trách bộ môn Tin học ở 3 khối lớp nên nhà trường đã phân về cho giáo viên chung hoặc giáo viên chủ nhiệm giảng dạy.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Dựa vào điều kiện thực tế, những năm qua, tỉnh Đắk Nông đã triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Ngành Giáo dục thường xuyên rà soát biên chế của ngành để phân công giảng dạy hợp lý, phù hợp, không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Trên cơ sở đó, ngành Giáo dục thực hiện điều chuyển một số giáo viên ở nơi thừa sang nơi thiếu.

Ngành Giáo dục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng các bậc học khu vực xa trung tâm để thu hút, giữ chân học sinh. Điều này đã hạn chế tình trạng học sinh vượt tuyến, gây quá tải về số lượng ở các trường trung tâm, giảm áp lực thiếu giáo viên tại các đơn vị này.

Đối với các trường chưa bố trí đủ giáo viên theo định mức, các huyện có phương án bồi dưỡng giáo viên dạy môn chung có thể dạy những môn như: Giáo dục thể chất, phân môn Công nghệ trong môn Tin học và Công nghệ...

Đội ngũ nhân viên trường học được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn để chuyển đổi vị trí việc làm thành giáo viên. Công tác phân công giáo viên, nhân viên thực hiện chế độ kiêm nhiệm ở các trường thiếu biên chế so với định mức, để đáp ứng nhu cầu công việc tại các đơn vị trên nguyên tắc bảo đảm số tiết dạy/tuần đối với giáo viên, số giờ làm việc/ngày đối với nhân viên được các địa phương tăng cường.

Các trường thiếu nhiều giáo viên ở các huyện vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số ngoài thực hiện dồn lớp, giảm tiết còn động viên cán bộ, giáo viên dạy tăng tiết để bảo đảm chương trình học cho học sinh.

img_4302.jpg
Tỉnh Đắk Nông đã triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đáp ứng yêu cầu dạy và học ở các nhà trường

Hàng năm, HĐND tỉnh đều phê duyệt chính sách chi trả tiền dạy kê, dạy gác cho các cơ sở giáo dục, tạo điều kiện cho các nhà trường chi trả cho cán bộ quản lý, giáo viên. Riêng trong năm học 2023-2024, HĐND đã thông qua việc chi trả hơn 1,2 tỷ đồng tiền dạy kê, dạy gác tại Trường THCS THPT Lê Hữu Trác ở xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức. Việc chi trả kịp thời tiền dạy kê, dạy gác đã khích lệ, động viên đội ngũ giáo viên tiếp tục cố gắng cùng nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ hàng năm.

Phát huy tinh thần đồng lòng, chia sẻ

Thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông, năm học 2024-2025, toàn ngành Giáo dục thiếu 1.545 giáo viên các bậc học. Hàng năm, tỉnh đều được Trung ương phân bổ số lượng biên chế nhất định. Riêng năm 2024, Đắk Nông được bổ sung 316 biên chế giáo viên. Mặc dù số lượng bổ sung này được tỉnh sử dụng để thực hiện tinh giản biên chế theo quy định của Trung ương nhưng cũng đã phần nào giảm bớt gánh nặng cho tình trạng thiếu giáo viên của tỉnh.

Cùng với đó, năm học 2024-2025, HĐND tỉnh đã phê duyệt bổ sung thêm 622 hợp đồng cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục thuộc UBND cấp huyện và Sở GD-ĐT.

Nếu tuyển đủ số lượng giáo viên hợp đồng thì các cơ sở giáo dục sẽ giảm bớt khó khăn liên quan đến tình trạng thiếu giáo viên.

HD giao vien

Dựa trên số lượng biên chế còn lại, hàng năm, Sở GD-ĐT và UBND tỉnh lập kế hoạch tuyển dụng để bổ sung cho các cơ sở giáo dục đang gặp tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng. Trong đó, tháng 9/2024, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức thi tuyển thêm 58 biên chế giáo viên. Điều này sẽ giúp giảm bớt khó khăn cho các trường hiện đang thiếu giáo viên, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, hàng năm, UBND tỉnh Đắk Nông khảo sát thực tế để nắm bắt kịp thời tình hình, hỗ trợ các địa phương và cơ sở giáo dục giải quyết các vấn đề trong quá trình triển khai.

img_3385.jpg
Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu khi làm việc với UBND TP. Gia Nghĩa trong đợt kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới 2024-2025.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh: “Những năm qua, tỉnh đã tích cực đề xuất và kiến nghị, đồng thời phân tích để Trung ương hiểu rõ đặc thù của địa phương. Dù vậy, việc thiếu giáo viên hiện nay là vấn đề chung của cả nước. Vì vậy, ngành Giáo dục, UBND các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục cần có trách nhiệm và sự chia sẻ nhiều hơn. Ngành Giáo dục, UBND các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục linh hoạt hơn, bám sát thực tế để phát huy nội lực và tìm ra các giải pháp phù hợp với từng địa phương. Tôi mong đội ngũ cán bộ và giáo viên tiếp tục nỗ lực, chia sẻ khó khăn và đồng hành để đạt được mục tiêu năm học 2024-2025 và các năm tiếp theo.”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông giải bài toán thiếu giáo viên để bảo đảm dạy và học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO