Giáo dục - Đào tạo

Đắk Nông duy trì, củng cố kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

Nguyễn Hiền 26/02/2024 06:03

Thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông đã triển khai tích cực các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác phổ cập và xóa mù chữ.

Không để sót học sinh trong độ tuổi nghỉ học

Trường tiểu học Lê Lợi, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô hiện có trên 380 học sinh. Hàng năm, trường có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 70%. Vì vậy, công tác duy trì phổ cập giáo dục luôn được nhà trường chú trọng thực hiện. Theo bà Lê Ánh Tuyết, Hiệu Trưởng Trường tiểu học Lê Lợi, vì số lượng học sinh con em dân tộc thiểu số đông nên trường luôn phải chú trọng việc duy trì sĩ số.

“Mục tiêu của trường là không để sót trường hợp học sinh nào trong độ tuổi không được đến trường. Giáo viên chủ nhiệm các lớp được giao chỉ tiêu mỗi tháng phải đến tận nhà từ 1 đến 2 học sinh để thăm, nắm bắt hoàn cảnh, tăng cường tuyên truyền cho phụ huynh. Việc thăm học sinh cũng giúp giáo viên chủ nhiệm, nhà trường kịp thời có hình thức quan tâm phù hợp, nhất là đối với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn", bà Lê Ánh Tuyết cho biết.

img_9909.jpg
Cùng với nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, Trường tiểu học Lê Lợi ở xã Nam Xuân còn phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp xóa mù chữ cho người dân

Bên cạnh đó, thông qua kêu gọi, ủng hộ của các tổ chức cá nhân, trường xây dựng quỹ hỗ trợ học sinh. Hiện nay, trường đang hỗ trợ cho 10 học sinh khó khăn với 500 ngàn đồng/tháng/1 học sinh. Ngoài ra, mỗi năm trường hỗ trợ quà, học bổng cho khoảng trên 200 học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Bằng các hoạt động thiết thực, hàng năm, trường đã giúp được nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tiếp tục đến trường, duy trì được tỷ lệ chuyên cần ở các lớp học. Hàng năm, tỷ lệ lên lớp của Trường tiểu học Lê Lợi đạt trên 98%; tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%. Trường đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập mức độ 2.

Tăng cường xóa mù chữ

Huyện Đắk Glong có 74.552 nhân khẩu, với 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 56%. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 25,68%, riêng hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 83,5%.

img_2999.jpg
Giáo viên Trường tiểu học Lý Tự Trọng, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong nỗ lực để các học viên sớm được xóa mù chữ

Với đặc thù là huyện có nhiều người dân di cư từ các tỉnh phía Bắc vào làm ăn sinh sống nên số lượng người mù chữ khá cao. Trong những năm qua, bằng những giải pháp thiết thực, Đắk Glong đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Cụ thể, trong 3 năm, từ 2019 - 2022, toàn huyện đã mở được 25 lớp xóa mù chữ, thu hút trên 850 học viên tham gia. Trung bình hàng năm, huyện Đắk Glong có tỷ lệ người mù chữ giai đoạn 1 giảm 4,69%.

hinh-xoa-mu-dakglong-_4-1-1-.jpg
Người dân tham gia lớp học xóa mù chữ tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Long

Bà Đinh Thị Hằng, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk Glong thông tin: “Để nâng cao dân trí, việc đẩy mạnh phổ cập giáo dục và xóa mù chữ đóng vai trò rất quan trọng. Hàng năm, huyện luôn chú trọng hoạt động tuyên truyền, nêu gương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Huyện Đắk Glong đã huy động các nguồn lực, hình thức để mở các lớp học xóa mù cho người dân ở các độ tuổi. Điều đáng ghi nhận, trong tổng số các lớp được mở thì phần lớn là từ nguồn xã hội hóa, với tinh thần tự nguyện giảng dạy của giáo viên, các nhà trường. Cùng với xóa mù chữ, công tác phổ cập được huyện chú trọng thực hiện hàng năm".

Đến nay, huyện Đắk Glong đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn về phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, đạt chuẩn về phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1

100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, ngành Giáo dục tỉnh luôn xác định việc thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Trên cơ sở đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển mạng lưới trường lớp, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung đồ dùng, thiết bị dạy và học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Ngành Giáo dục tập trung nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Ngành huy động học sinh đến trường, nâng cao chất lượng dạy học, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

img_0840.jpg
Chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm nên tỷ lệ chuyên cần ở các nhà trường ngày càng tăng

Hệ thống cơ sở giáo dục phát triển rộng khắp trong tỉnh, phủ kín đến các xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh hiện đã có trường THPT chuyên. Mỗi huyện, thành phố đều có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú. Sự tham gia phát triển của hệ thống trường tư thục từ mầm non đến phổ thông đã góp phần mở rộng quy mô mạng lưới trường lớp, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân và thực hiện tốt nhiệm vụ phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông đã tổ chức được 64 lớp xóa mù chữ, thu hút trên 2.000 học viên tham gia. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ; có 7/8 huyện đạt chuẩn mức độ 2 và một huyện đạt chuẩn mức độ 1. Tỷ lệ trẻ nhà trẻ đến trường đạt 13,2%; tỷ lệ trẻ 3-5 tuổi đến trường đạt 84,7%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến trường đạt 98,4%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày đạt 100%; tỷ lệ trẻ ăn bán trú đạt 94,6%.

Ông Phan Thanh Hải cho biết: “Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, để nâng cao công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh quan tâm công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; tiếp tục huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tạo tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trên địa bàn. Ngành tập trung nâng cao hơn nữa hiệu quả giáo dục các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và trường có học sinh bán trú; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động học sinh đến trường, học viên ra lớp xóa mù chữ".

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đắk Nông duy trì, củng cố kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO