Đắk Nông đồng hành với doanh nghiệp cà phê trong thực thi EUDR
Đắk Nông đang triển khai một số giải pháp, đồng hành với các doanh nghiệp trong thực thi quy định về chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR).
Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) đã được điều chỉnh hạn cuối để các doanh nghiệp lớn tuân thủ là ngày 30/12/2025; các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là ngày 30/6/2026.
Từ các thời điểm này, các doanh nghiệp không thể xuất khẩu cà phê và các loại nông sản vào thị trường châu Âu nếu không chứng minh được sản phẩm không liên quan đến phá rừng sau ngày 31/12/2020.
Đắk Nông là một trong những khu vực trọng điểm về xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Đắk Nông có diện tích cà phê đứng thứ 3 cả nước sau Đắk Lắk, Lâm Đồng, với 143.000ha, diện tích thu hoạch 131.000ha. Cà phê chiếm 37% diện tích cây trồng của tỉnh, sản lượng 360.000 tấn/năm.
Đắk Nông có khoảng 70.000 hộ canh tác cà phê. Hiện nay, sản phẩm cà phê của tỉnh xuất khẩu đến hàng chục quốc gia, với sản lượng khoảng 120.000 tấn/năm, cho nên đòi hỏi việc tuân thủ EUDR là điều cấp thiết.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng cà phê thực hiện được 280 triệu USD, tăng 70,6% so với năm 2023. Mặt hàng cà phê đang chiếm khoảng 28% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh Đắk Nông cho nên đòi hỏi việc tuân thủ EUDR là điều cấp thiết.
Việc thực hiện quy định EUDR vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành hàng cà phê Đắk Nông. Trước hết là văn bản hướng dẫn và tài liệu có liên quan đến EUDR còn hạn chế; cơ sở dữ liệu về rừng và vùng trồng chưa được đồng bộ, chi tiết đến từng lô, mảnh vườn.
Việc truy xuất nguồn gốc và đăng ký mã số vùng trồng gặp nhiều khó khăn. Sự tham gia, đồng hành của các bên có liên quan trong thực thi EUDR chưa nhiều.
Doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu cà phê còn nhiều hạn chế; nguồn lực, kỹ thuật để thực hiện các nội dung, giải pháp can thiệp cần thiết của tỉnh gặp khó khăn.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Phạm Tuấn Anh, Đắk Nông đã phát huy sự chủ động, đồng hành với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm hướng đi tối ưu nhất cho các thách thức, khó khăn từ EUDR.
Đồng thời, tỉnh huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu bền vững về kinh tế, môi trường, xã hội trong ngành hàng chủ lực cà phê.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Phát triển nông nghiệp, Công ty TNHH MVT xuất nhập khẩu Simexco Đắk Lắk, cho rằng: Doanh nghiệp Đắk Nông tích cực hơn trong việc tham gia các hoạt động liên quan đến EUDR của các chính quyền, hiệp hội, tổ chức quốc tế để có hành động tối ưu nhất.
Trong đó, điều mà doanh nghiệp mong muốn và nhất là có được số liệu cụ thể, chính xác không trùng lặp để đáp ứng được 8 nội dung, điều kiện chính của EUDR về tọa độ, nguồn gốc xuất xứ, lao động, thỏa thuận. Sự chủ động, đồng hành của tỉnh Đắk Nông là rất ý nghĩa.
Bên cạnh doanh nghiệp ngoài tỉnh, Đắk Nông hiện có 13 doanh nghiệp trong tỉnh và 12 hợp tác xã phục vụ xuất khẩu cà phê. Theo ông Trương Công Toàn, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông), nhiều năm nay đơn vị đã liên kết, sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C phục vụ xuất khẩu.
Để có vùng sản xuất ổn định, nguyên liệu đạt chuẩn, doanh nghiệp đang liên kết với gần 11.000 nông hộ xung quanh, với diện tích canh tác là 1.500ha cà phê.
Để đáp ứng nguyên tắc EUDR đưa ra cần phối hợp với các bên liên quan trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu gồm tọa độ, bản đồ của các thửa mảnh lớn.
Đây là nội dung quan trọng nhất trong bộ hồ sơ khi xuất khẩu cà phê sang EU. Bên cạnh đó, cần phải truyền thông nâng cao nhận thức để người sản xuất tuân thủ các nguyên tắc của EUDR. Những hoạt động này, ngoài nguồn lực của doanh nghiệp cần sự hợp tác, đồng hành của chính quyền, các bên liên quan.