Giáo dục - Đào tạo

Đắk Nông đi tắt, đón đầu tạo nguồn nhân lực công nghiệp nhôm

Dương Phong 10/05/2025 07:41

Đắk Nông được quy hoạch trở thành trung tâm công nghiệp Bô xít, luyện nhôm quốc gia. Để thực hiện định hướng này, nguồn nhân lực trở thành nhân tố quan trọng.

Kinh nghiệm từ Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV

Hơn 10 năm trước, sau khi tốt nghiệp THPT, chị Phạm Thị Ninh (quê tỉnh Hải Dương) được Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tuyển dụng và cử đi đào tạo tại một trường cao đẳng tại TP. Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, chị Ninh được phân công về Nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng) làm việc.

Đến năm 2015, khi Nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động, chị Ninh là một trong số những công nhân đầu tiên về đây làm việc. Với kiến thức nghề được đào tạo và kinh nghiệm, kỹ thuật được chuyển giao trong thời gian làm việc tại Lâm Đồng, chị Ninh bắt tay ngay vào làm việc tại phân xưởng kết tinh mà không mất thời gian làm quen, tập huấn.

img_4413.jpg
Chị Phạm Thị Ninh được Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam tuyển dụng, sau đó cử đi đào tạo để về làm việc tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ

Chị Ninh chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi cũng chưa định hướng rõ mình sẽ học gì, làm gì. Khi biết thông tin Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tuyển dụng công nhân và cho đi học, tôi đã đăng ký. Sau đó, tôi theo học ngành Công nghệ các chất vô cơ tại một trường cao đẳng phía Nam. Thời gian theo học, tôi được miễn toàn bộ học phí. Sau khi tốt nghiệp thì được phân về Alumin Tân Rai để làm việc”.

Cùng phân xưởng với chị Ninh, anh Ngô Chí Cường, Trưởng ca có 10 năm gắn bó với Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Được phân công làm việc phù hợp với ngành nghề được đào tạo, anh Cường đã phát huy được năng lực, kiến thức của mình.

Anh Ngô Chí Cường cho biết: “ Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ luyện kim của Đại học Thái Nguyên, năm 2014, tôi được tuyển dụng vào công ty đúng vào thời điểm nhà máy đang chuẩn bị vận hành thử nghiệm. Tôi may mắn được tham gia các lớp đào tạo chuyên sâu do Tập đoàn tổ chức, rồi được bố trí đúng vị trí công việc phù hợp với chuyên môn. Nhờ vậy, tôi có điều kiện học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và đóng góp một phần công sức cho sự phát triển của công ty đến hôm nay”.

img_4439.jpg
Những năm qua, Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV đặc biệt quan tâm tới công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động

Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV cho biết, đơn vị này đang có khoảng hơn 1.000 lao động trực tiếp làm việc tại các phân xưởng, trong số đó có khoảng 50% người lao động được Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đào tạo trước khi công ty đi vào hoạt động. Số còn lại là lao động được tuyển dụng trực tiếp trong quá trình công ty đi vào hoạt động.

Những năm qua, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV đặc biệt quan tâm tới công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của công ty.

Trong năm 2024, doanh nghiệp đã bố trí hơn 8 tỷ đồng để liên kết, tổ chức 9 lớp đào tạo cho gần 1.200 cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật và các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ khác. Dự kiến, trong năm 2025, công ty sẽ tổ chức khoảng 20 chương trình đào tạo (ngoài chương trình đào tạo nội bộ), qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đơn vị.

Chủ động liên kết trong đào tạo nhân lực

Ngoài Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Đắk Nông đã quy hoạch xây dựng 4 dự án nhà máy alumin thực hiện chế biến quặng bô xít gồm Dự án Nhà máy Alumin Đắk Nông 2 (Đắk Glong); Dự án Nhà máy Alumin Đắk Nông 3 (Đắk Song); Dự án Nhà máy Alumin Đắk Nông 4 (Tuy Đức); Dự án Nhà máy Alumin Đắk Nông 5 (Đắk Glong).

Trước đó, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông đã đồng ý cho phép đầu tư nâng công suất tổ hợp alumin Nhân Cơ từ 0,65 triệu tấn/năm lên 2 triệu tấn alumin/năm theo kế hoạch đến năm 2030. Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam có kế hoạch đầu tư mới tổ hợp bô xít - alumin - nhôm Đắk Nông 2 có công suất 2 triệu tấn alumin/năm và 0,5 - 1 triệu tấn nhôm/năm.

Việc nâng công suất Nhà máy Alumin Nhân Cơ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông, đóng góp lớn hơn cho ngân sách, đặc biệt là giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Mới đây, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông, ông Nguyến Tiến Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) thông tin, đơn vị đã và đang phát triển nhiều chính sách cải cách trong tuyển dụng, đào tạo, hợp tác quốc tế. Tập đoàn sẽ hợp tác đào tạo với nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trong đó, tập trung đào tạo, tuyển dụng nguồn lực chất lượng cao có trình độ ngoại ngữ, có kiến thức, có kinh nghiệm thực tế.

Nhà máy điện phân nhôm hiện đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống nhà xưởng sản xuất và công trình phụ trợ
Nhà máy Điện phân nhôm hiện đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống nhà xưởng sản xuất và công trình phụ trợ (Ảnh: Lê Dung)

Bên cạnh khai thác, chế biến bô xít, Đắk Nông cũng kêu gọi đầu tư vào công nghệ chế biến alumin, luyện nhôm và các sản phẩm sau nhôm. Trong số này, Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân dự kiến sẽ cho ra sản phẩm nhôm đầu tiên vào quý II/2026.

Theo tính toán, khi đi vào hoạt động, dự án đóng góp khoảng 900 triệu USD vào GRDP của tỉnh mỗi năm. Đặc biệt, công ty này sẽ tạo ra khoảng 900 việc làm, chủ yếu là việc làm dành cho lao động có trình độ, được đào tạo nghề phù hợp.

Một lãnh đạo Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân cho biết, trong thời gian qua, đơn vị này đã làm việc với Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông để phối hợp, liên kết đào tạo nguồn nhân lực trong thời gian tới. Đối với một số vị trí, nhà trường có ngành đào tạo đây sẽ là lực lượng trực tiếp tham gia vào việc vận hành nhà máy dự kiến trong năm 2026.

img_3607.jpg
Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông thu hút nhiều sinh viên theo học ngành Điện công nghiệp

Vị lãnh đạo này cũng cho biết thêm, sau khi hoàn thiện lắp đặt máy móc và tham khảo ý kiến của các đơn vị liên quan, đơn vị sẽ tiếp tục “đặt hàng” đào tạo tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông hoặc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khách trên địa bàn.

Ông Nguyễn Hữu Lành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông cho biết, nhà trường đã có nhiều đổi mới trong công tác đào tạo nghề theo xu thế chung. Hiện nhà trường có 22 mã ngành nghề, trong đó, các ngành mũi nhọn của trường là nhóm ngành kỹ thuật, đặc biệt là ngành Công nghệ ô tô và Điện công nghiệp đã, đang được nhiều học sinh, sinh viên lựa chọn.

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Đắk Nông đi tắt, đón đầu tạo nguồn nhân lực công nghiệp nhôm
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO