Đắk Nông đề phòng cà phê rụng trái non trong mùa mưa
Mùa mưa khiến cho cà phê dễ mắc bệnh, rụng trái non nên nông dân cần áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để phòng ngừa.
Theo các chuyên gia, vào đầu mùa mưa, cây cà phê sẽ tăng trưởng nhanh về cành, chồi và trái nên rất cần bổ sung thêm dinh dưỡng. Bên cạnh đó, thời điểm này, vườn cây cũng xuất hiện nhiều loại nấm, sâu bệnh hại. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp chăm sóc vườn cây đúng kỹ thuật sẽ giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, bảo đảm năng suất mùa vụ.
Gia đình ông Ngô Văn Tuyển ở xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) có hơn 1ha cà phê kinh doanh. Để cà phê phát triển tốt, đạt năng suất, chất lượng, ông Tuyển áp dụng đồng bộ quy trình từ làm cỏ, bón phân đến phòng ngừa bệnh hại.
Bên cạnh đó, ông Tuyển thường xuyên thăm vườn, kịp thời làm chồi vượt, bẻ cành tăm, cành thứ cấp để cây thông thoáng, hấp thụ ánh sáng tốt hơn. Ông Tuyển cho biết: “Việc làm cỏ, tạo bồn, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh sẽ giúp cà phê phát triển tốt, đậu quả nhiều, đồng đều, tránh rụng trái non. Đây là các bước quan trọng giúp vườn cà phê đạt năng suất trong mỗi mùa vụ, nhất là trong mùa mưa”.
Gia đình bà Bùi Thị Nhung ở xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa có hơn 2ha cà phê. Đến thời điểm này, vườn cà phê của bà Nhung đang giai đoạn vào nhân, cứng trái. Do đó, ngoài phun thuốc phòng trừ rầy rệp, cắt tỉa cành thông thoáng, bà Nhung còn bổ sung thêm hàm lượng đạm, kali, giúp cây cà phê sinh trưởng, phát triển tốt, đậu quả nhiều, tránh rụng trái.
Bà Nhung cho hay: “Hiện nay, một số loại nấm bệnh, rệp sáp từ mùa khô vẫn còn trú ẩn trong vườn, nếu không kiểm soát tốt, đến mùa mưa, sâu bệnh hại rất dễ xâm nhiễm chùm trái, hại cành, rễ. Khi bị rệp tấn công nặng sẽ làm cà phê rụng trái non, làm giảm năng suất vườn cây”.
Theo kỹ sư Nguyễn Thị Thảo, Trưởng Phòng Huấn luyện – Chuyển giao, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông, vào mùa mưa, nông dân nên tiến hành vệ sinh vườn cây, bón vôi cải tạo đất, bổ sung cân đối giữa các yếu tố hữu cơ và vô cơ nhằm trả lại hữu cơ cho đất, đồng thời, phun bổ sung phân bón lá để hạn chế rụng trái non, ưu tiên phân có hàm lượng Bo cao. Ngoài ra, bà con cũng cần phải phát dọn cỏ, quan sát vườn để kịp thời phòng trừ rầy, rệp gây bệnh cho cây cà phê.
Kỹ sư Nguyễn Thị Thảo còn khuyến cáo nông dân nên sử dụng phân hữu cơ bón cho cà phê để kích thích cây ra rễ, rễ phát triển tốt và tăng khả năng hút dinh dưỡng.
Liều lượng đối với phân hữu cơ truyền thống bón từ 10-15kg/gốc. Đối với phân hữu cơ trên thị trường bón từ 2-3kg/gốc, thực hiện bón theo mép tán.
Sau khi bón phân hữu cơ xong, mọi người cần sử dụng phân hóa học có hàm lượng đạm, lân, ka li cao để bón cho cà phê. Liều lượng bón tùy theo từng loại đất, thông thường bà con nên bón từ 0,5-0,6kg/lần/gốc và bón khi đất đủ ẩm.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, nông dân cần theo dõi thường xuyên vườn cà phê để phát hiện và phân biệt rõ bệnh khô cành, khô trái để có biện pháp phòng trừ.
Những bệnh này do thán thư, nấm hồng gây ra dẫn đến khô cành, khô trái, rụng trái non. Ngoài ra, trường hợp xuất hiện rệp sáp thì cần ngăn chặn sớm, nếu để xâm nhập vào chùm trái non sẽ rất khó diệt trừ. “Để phòng trừ nấm bệnh hiệu quả, bà con cần tiến hành sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc trị theo tư vấn, hướng dẫn về chủng loại, liều dùng của ngành chuyên môn”, kỹ sư Nguyễn Thị Thảo cho biết thêm.
Hiện nay, Đắk Nông có khoảng 141.000ha cà phê; trong đó, diện tích trong giai đoạn kinh doanh khoảng 128.000ha. Tổng sản lượng cà phê ước đạt khoảng 400.000 tấn/năm. Diện tích, sản lượng cà phê của tỉnh Đắk Nông đứng thứ 3 cả nước, sau Đắk Lắk và Lâm Đồng.