Cấp ủy, các tổ chức đảng thuộc Đảng bộ Khối Các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông (Đảng bộ Khối) tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, trách nhiệm thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (CB-ĐV-CC-VC).
Còn nhiều hạn chế cần khắc phục
Thời gian qua, cấp ủy các tổ chức đảng tập trực thuộc Đảng bộ Khối đã trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông qua các cuộc họp, phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, mạng xã hội.
Nhiều cơ quan, đơn vị niêm yết quy tắc ứng xử, văn hóa, đạo đức công vụ tại trụ sở theo quy định, xem đây là một trong những tiêu chí, đánh giá xếp loại, thi đua, khen thưởng CB-CC-VC và người lao động hàng năm.
Công tác kiểm tra theo dõi việc thực hiện giờ giấc, quy chế làm việc, trách nhiệm thực thi công vụ, nhiệm vụ của CB-CC-VC, kịp thời uốn nắn, nhắc nhở những thiếu sót được chú trọng.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 4/11/2022 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay, toàn Đảng bộ Khối cơ bản hoàn thành 7 lĩnh vực và 55 hoạt động nhiệm vụ công tác cải cách hành chính đề ra.
Bộ phận công chức tiếp nhận, giải quyết TTHC thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Theo đánh giá của Đảng ủy Khối, đa số CB-ĐV-CC-VC trong Khối đã nắm vững chính sách, pháp luật, làm tròn nhiệm vụ, luôn quan tâm đến chất lượng, hiệu quả công việc; không đùn đẩy, né tránh, thoái thác việc cho người khác hoặc hạn chế hiện tượng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm công vụ thuộc thẩm quyền.
Tuy nhiên, ở một số cơ quan, đơn vị tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân của một bộ phận CB-CC-VC thiếu chuyên nghiệp; bộc lộ hạn chế trong giao tiếp, ứng xử. Điều này làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín cơ quan và CB-CC-VC trước người dân, doanh nghiệp; thậm chí vi phạm quy định, kỷ cương hành chính phải kiểm điểm, kỷ luật.
Tại các cơ quan, đơn vị vẫn còn diễn ra tình trạng CB-ĐV-CC-VC chưa chấp hành tốt nội quy, quy chế làm việc; vi phạm, sai phạm trong thi hành công vụ. Việc xử lý các vi phạm trong thực thi công vụ chưa nghiêm.
Một số cơ quan, đơn vị chưa gắn việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với nâng cao đạo đức công vụ, văn hóa công sở; còn diễn ra tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu khi thi hành công vụ...
Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của tỉnh giảm 14 bậc so với năm 2022. Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2023 giảm 10 bậc so với năm 2022.
Một số cơ quan, đơn vị, CB-ĐV-CC-VC chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phối hợp và thực hiện nhiệm vụ công vụ; có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm. Một bộ phận nhỏ CB-CC-VC chưa có ý thức trách nhiệm trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ được giao; thiếu tìm tòi, nghiên cứu các giải pháp để nâng cao hiệu quả công việc…
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Tại Hội nghị Chuyên đề “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ và trách nhiệm thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ CB-ĐV-CC-VC trong Đảng ủy Khối", đã có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động, trách nhiệm thực thi công vụ cho CB-CC-VC được nêu lên, tập trung phân tích, mổ xẻ.
TUV, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vũ Tá Long cho rằng, giải pháp căn cơ nhất là tăng cường tuyên truyền, quán triệt các văn bản liên quan đến đạo đức, trách nhiệm công vụ làm chuyển biến nhận thức, hành động cho CB-ĐV-CC-VC.
“Cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục văn hóa đạo đức công vụ, nhất là đối với CB-CC-VC các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Trọng tâm là tập trung chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác giải quyết các TTHC, tư pháp… Công tác tuyên truyền đổi mới về nội dung, hình thức và phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm, tình hình của từng cơ quan, đơn vị”, đồng chí Vũ Tá Long cho biết.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị cần khuyến khích và có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, năng động, sáng tạo, trong đó trách nhiệm đầu tiên thuộc về người đứng đầu. Có như vậy, CB-CC-VC mới có điều kiện, cơ hội đổi mới, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, không bị nhận xét chủ quan, phiến diện.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Nông Bùi Hiếu cho rằng, phải thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cải cách chế độ công vụ. Việc quan trọng là xây dựng đội ngũ cán bộ có cơ cấu hợp lý, chuyên nghiệp, hiện đại, có phẩm chất đạo đức tốt, đủ năng lực thi hành công vụ, tận tụy phục vụ tổ chức, phục vụ Nhân dân. “Các cơ quan, đơn vị tiếp tục chỉnh đốn giờ giấc làm việc, thái độ phục vụ Nhân dân; kiểm tra công vụ về chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, văn hóa giao tiếp của CB-CC-VC”, ông Bùi Hiếu cho hay.
UVBTV Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Huỳnh Ngọc Anh nhấn mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ và trách nhiệm thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ CB-ĐV-CC-VC là hết sức quan trọng, gốc của mọi công việc. Các tổ chức đảng cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu trong lãnh đạo thực hiện hoạt động công vụ; phát huy tinh thần trách nhiệm của CB-ĐV-CC-VC trong thực thi công vụ, nhiệm vụ. Cấp ủy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ công vụ; tăng cường kiểm tra giám sát, phản biện xã hội và thanh tra công vụ, nhiệm vụ…
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lưu Văn Trung cho rằng, thực thi công vụ là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu. Do đó, người đứng đầu cần gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì cấp dưới mới dám làm. "Việc cải cách TTHC, ý thức trách nhiệm thực thi công vụ phải bắt đầu từ những người đứng đầu. Các tổ chức cơ sở đảng cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể cho từng CB-CC-VC. Các đơn vị cần xây dựng hoàn thiện đề án vị trí việc làm để làm căn cứ tự soi, tự đánh giá mức độ hoàn thành của mỗi CB-CC-VC sát đúng hơn, hạn chế tình trạng chung chung, cào bằng, “dĩ hòa vi quý"", đồng chí Lưu Văn Trung yêu cầu.