“Thúc” giải ngân đầu tư công
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung tổ chức thực hiện 20 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trong đó, đặc biệt lưu ý các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công; nhất là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các công trình trọng điểm chào mừng 20 năm thành lập tỉnh. Đây là những chương trình, dự án có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải tập trung, quyết liệt thực hiện ngay từ đầu năm 2023 để bảo đảm tiến độ, chất lượng đã đề ra.
Bên cạnh đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương lập kế hoạch chi tiết đến từng danh mục công trình; phân công, phân nhiệm cho từng cá nhân có liên quan để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Đồng thời điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ; kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực, vi phạm tiến độ hợp đồng.
Yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nghiêm nhiệm vụ được giao về lĩnh vực đầu tư công; kịp thời tham mưu giải pháp khả thi, hiệu quả để hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023; đồng thời đảm bảo mục tiêu chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo quy định.
Trong khi đó, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Đắk Nông là trên 3.473 tỷ đồng. Số liệu báo cáo tại Hội nghị triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 được tổ chức ngày 23/2 cho thấy, tính đến ngày 16/2/2023, kết quả giải ngân mới đạt gần 184,2 tỷ đồng, đạt 5,3%. Vì vậy, tại Hội nghị này, đại diện các c quan, đơn vị, địa phương đã tập trung phân tích nguyên nhân giải ngân thấp và nguyên nhân dẫn đến một số dự án không giải ngân hết nguồn vốn năm 2022 có khả năng hủy bỏ dự án, đề nghị UBND tỉnh xem xét phê bình, chỉ đạo rút kinh nghiệm.
Tiếp tục rà soát các dự án nông, lâm nghiệp
Cùng với yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm, có tác động đến nền kinh tế, phát huy cao nhất hiệu quả của các chính sách hỗ trợ từ trung ương và địa phương, có tính khả thi cao và phù hợp với mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành, lĩnh vực ưu tiên trong giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh năm 2022, đặc biệt là những tồn tại đã được Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh chỉ ra; tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, không lơ là, chủ quan; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhất là các dự án lớn, phù hợp với tình hình thực tế, xu thế phát triển và theo đúng định hướng của tỉnh; đồng thời, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; không để gián đoạn sản xuất, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp ảnh hưởng lớn đến tỷ trọng sản xuất của tỉnh; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác xuất khẩu.
Đặc biệt, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát các dự án nông, lâm nghiệp, diện tích đất của các công ty lâm nghiệp bàn giao về địa phương quản lý để có giải pháp xử lý phù hợp, đúng quy định; có kế hoạch khôi phục và phát triển rừng bền vững, kiên quyết bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, phát huy hiệu quả diện tích rừng sản xuất. Triển khai giải pháp phù hợp, đúng quy định để xử lý diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và phát triển kinh tế rừng.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát lựa chọn một số cây trồng chủ lực của tỉnh để có kế hoạch cụ thể hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường, phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng sản xuất nguyên liệu. Tăng cường quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, chuyển mục đích sử dụng đất, đảm bảo đúng quy hoạch, công khai minh bạch; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Có giải pháp quản lý thị trường bất động sản để tạo điều kiện thu hút đầu tư và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân.