Kinh tế

Đắk Nông đẩy mạnh ngoại giao kinh tế

Hoài Anh 28/03/2024 11:04

Thực hiện công tác đối ngoại, 20 năm qua, Đắk Nông luôn đưa nội dung kinh tế là một trong những hoạt động trọng tâm. Nhờ tích cực triển khai, Đắk Nông đã đạt một số kết quả quan trọng.

Hợp tác với tỉnh láng giềng

Là tỉnh giáp biên giới với tỉnh Mondulkiri (Campuchia), Đắk Nông đã thực hiện ký kết các chương trình hợp tác theo từng giai đoạn và đạt nhiều dấu ấn quan trọng. Giai đoạn 2006-2009, hợp tác kinh tế giữa 2 tỉnh chủ yếu thông qua 2 cửa khẩu Bu P’răng, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức và Đắk Peur, xã Thuận An, huyện Đắk Mil...

img_8320-1-3-.jpg
Chiều 11/1/2023, tại TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) 2 tỉnh Đắk Nông (Việt Nam) và Mondulkiri (Campuchia) ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển, giai đoạn 2023-2026. Ảnh tư liệu

Giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa 2 tỉnh đạt kết quả quan trọng. Năm 2008, tổng giá trị xuất khẩu từ Đắk Nông sang Mondulkiri đạt trên 344.000 USD, tăng gấp 6,4 lần so với năm 2006. Giá trị nhập khẩu năm 2008 từ tỉnh Mondulkiri sang tỉnh Đắk Nông đạt trên 2,2 triệu USD.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, 2 tỉnh đã tiếp tục ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa 2 tỉnh giai đoạn 2010 – 2015 trên các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng; hợp tác đầu tư thương mại dịch vụ, du lịch, nông - lâm nghiệp. Giai đoạn này nêu rõ, Đắk Nông hỗ trợ tỉnh Mondulkiri xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2010 – 2015 và các năm tiếp theo.

Hai tỉnh giao cho các cơ quan chức năng của mỗi tỉnh kết hợp xây dựng hệ thống thông tin về tiềm năng phát triển kinh tế, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư để khuyến khích các nhà đầu tư Việt Nam tăng cường đầu tư vào tỉnh Mondulkiri và thực hiện sản xuất, kinh doanh…

Thực hiện nội dung ký kết, hai bên đã tích cực hợp tác đưa kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai tỉnh tăng. Nếu năm 2011, kim ngạch xuất, nhập khẩu chỉ đạt 1,882 triệu USD thì đến cuối năm 2013 đạt 15,4 triệu USD. Các mặt hàng xuất, nhập khẩu chủ yếu là hàng công nghiệp tiêu dùng, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, phân bón hữu cơ sinh học, nông sản các loại.

baodaknong.org.vn-database-image-2019-03-28-_3010-ct-1-1-.jpg
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông và tỉnh Mondulkiri ký kết chương trình hợp tác năm 2019. Ảnh tư liệu

Giai đoạn này có hai doanh nghiệp của tỉnh Đắk Nông đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Mondulkiri là: Công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ Long Việt và Công ty Ðiện lực Ðắk Nông. Riêng Công ty Điện lực Đắk Nông bán điện thường xuyên cho tỉnh Mondulkiri… Sản lượng điện cung cấp cho nước bạn liên tục tăng nhanh qua các năm. Năm 2018, sản lượng thương phẩm đạt gần 6 triệu kWh, doanh thu hơn 13 tỷ đồng; sản lượng thương phẩm tăng 7 lần, doanh thu tăng 10,6 lần so với năm 2012.

Đến giai đoạn 2016 -2018, kim ngạch thương mại giữa hai tỉnh đạt 341,65 triệu USD. Hoạt động thương mại biên giới giữa hai tỉnh luôn được thực hiện theo thỏa thuận trong Hiệp định thương mại song phương đã cam kết giữa hai Chính phủ Việt Nam - Campuchia và thông lệ mua bán quốc tế. Hai tỉnh đã tổ chức các đoàn đến tham quan, học tập mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế và hỗ trợ một số giống cây trồng, tổ chức thu mua các mặt hàng nông sản của nhân dân vùng biên giới.

Tiếp nối những kết quả, hai tỉnh Đắk Nông và Mondulkiri tiếp tục hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế theo từng giai đoạn cụ thể. Hai bên tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai tỉnh đi lại và buôn bán hàng hóa; tăng cường hợp tác thương mại thông qua hội chợ thương mại nhằm giới thiệu hàng hóa, sản phẩm của hai nước...

dc585978-1b13-4e26-af34-455887d4571b(1).jpg
Công nhân điện lực bảo dưỡng tại nơi giao nhận điện năng giữa PC Đắk Nông và Điện lực Mondulkiri – Campuchia. Ảnh tư liệu

Chính quyền hai tỉnh thống nhất tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp của mỗi tỉnh được sản xuất kinh doanh, làm ăn, sinh sống trên địa bàn, nhưng phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại; tạo điều kiện để các cơ quan cấp tỉnh có cùng lĩnh vực, chức năng kết nghĩa, hợp tác, giao lưu để tăng cường mối quan hệ hợp tác phát triển…

Giai đoạn 2023 -2026, hai bên thống nhất hợp tác xây dựng, nâng cấp cặp cửa khẩu Đắk Peur, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) – Bu Sara, huyện Petchănda (Mondulkiri) thành cửa khẩu quốc tế…

Đẩy mạnh hợp tác với các địa phương của Ấn Độ

Thời gian gần đây, Đắk Nông tăng cường xúc tiến các hoạt động ngoại giao kinh tế với Ấn Độ. Đắk Nông đã tiếp đoàn công tác của Ấn Độ và đã trực tiếp đến Ấn Độ nhằm xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư.

1-2-(1).jpg
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh tặng quà cho đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (ICC) và một số doanh nghiệp Ấn Độ. Ảnh tư liệu

Cụ thể, tháng 9/2023, tại Đắk Nông, Đoàn công tác do ngài Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông, trao đổi về các nội dung mở rộng hợp tác giữa hai bên. Tổng lãnh sự Madan Mohan Sethi cho biết, nhiều nhà đầu tư lớn ở Ấn Độ có dự định tìm hiểu, đầu tư tại Việt Nam.

Đến tháng 12/2023, tại Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô New Dehli (Ấn Độ), Đoàn công tác tỉnh Đắk Nông đã làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (ICC). Tại đây, Đắk Nông đã giới thiệu 4 lĩnh vực mà Đắk Nông kêu gọi đầu tư.

1234-1-(1).jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên thông tin với Đường sắt bờ Đông Ấn Độ về nhu cầu phát triển hệ thống đường sắt tại Đắk Nông. Ảnh tư liệu

Cụ thể, về công nghiệp (khai thác bô xít - alumin – nhôm; năng lượng tái tạo; xây dựng các nhà máy chế biến sâu nông sản xuất khẩu). Về thương mại đầu tư phát triển trung tâm logistics phục vụ xuất khẩu hàng hóa nông sản. Về du lịch đầu tư các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Về giao thông, vận tải đầu tư tuyến đường sắt kết nối các tỉnh Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước), với chiều dài 555km. Trong đó, Đắk Nông ưu tiên, nghiên cứu, hợp tác, đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành với chiều dài 67km, khổ đường 1,435m và tuyến cao tốc đường bộ từ Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) – Gia Nghĩa (Đắk Nông).

Về phía Ấn Độ, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ T.K Pandey thông tin, dân số Ấn Độ khoảng 1,4 tỷ người, với dung lượng thị trường lớn, tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp của Việt Nam, trong đó có Đắk Nông đưa nông sản như cà phê, hạt điều và các mặt hàng gia vị như quế, tiêu… tới Ấn Độ. Đặc biệt, ông Pandey rất ấn tượng về tiềm năng bô xít và nông nghiệp của Đắk Nông. Các doanh nghiệp Ấn Độ rất mong muốn được hợp tác đầu tư vào lĩnh vực này.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đắk Nông đẩy mạnh ngoại giao kinh tế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO