Đắk Nông đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính toàn trình
Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm công tác cải cách hành chính (CCHC). Trong đó việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử được chú trọng.
Công khai, minh bạch
UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành danh mục các TTHC thuộc thẩm quyền của địa phương theo quy định của Trung ương; bao gồm cả quy trình nội bộ, quy trình điện tử đối với việc giải quyết từng TTHC cấp tỉnh, huyện và xã. Trong đó, có quy trình trên môi trường điện tử đúng trình tự, thủ tục theo quy định để áp dụng thực hiện đồng bộ, thống nhất chung trong toàn tỉnh. Quy trình này cũng được công khai, minh bạch để các tổ chức, người dân nắm và cùng tham gia giám sát việc thực hiện. Tất cả hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh, bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp huyện và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp xã được các đơn vị, địa phương tổ chức niêm yết công khai theo quy định.
Đắk Nông đã kết nối Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia tích hợp, cung cấp đầy đủ 3 dịch vụ công thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch (khai sinh, kết hôn, khai tử) của cả UBND cấp huyện và xã trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc kết nối, liên thông dữ liệu cấp tỉnh với Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp cũng được triển khai. Qua đó người dân có thể đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn trực tuyến.
Cùng với đó, tỉnh đẩy nhanh việc triển khai nền tảng số hóa đối với công tác giải quyết TTHC. Đến nay, 100% TTHC tiếp nhận tại Trung tâm PVHCC tỉnh đều triển khai số hóa, theo Kế hoạch số 196/KH-UBND tỉnh ngày 19/4/2022.
Việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch, an toàn thông tin và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử còn đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian của tổ chức, cá nhân.
Đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người làm việc tại bộ phận một cửa và một cửa liên thông tại Trung tâm PVHCC tỉnh và bộ phận một cửa các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn.
Đắk Nông đặt mục tiêu đến 2025, 100% hồ sơ TTHC và kết quả giải quyết TTHC được số hóa và kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.
Hồ sơ trực tuyến toàn trình tăng
Để tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, tỉnh Đắk Nông đã cung cấp hiệu quả dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Dịch vụ công trực tuyến toàn trình là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về TTHC, việc giải quyết TTHC đều được thực hiện trên môi trường mạng. So với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được triển khai trước đây, việc trả kết quả sẽ được thực hiện trực tuyến và ký số, đóng dấu số.
Anh Nguyễn Văn Cường ở thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) cho biết: “Giấy phép lái xe tôi đến thời hạn phải cấp đổi. Trước đây phải đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để làm TTHC trực tiếp, nhưng giờ đây tôi chỉ cần ở nhà nộp TTHC cấp đổi giấy phép lái xe bằng hình thức trực tuyến toàn trình. Toàn bộ quy trình cấp đổi, đồng bộ các loại giấy tờ có liên quan, nộp phí, lệ phí, tôi đều thực hiện trên môi trường mạng mà không cần đến làm việc trực tiếp. Tôi thấy thật sự tiện lợi, vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức, không cần phải đi lại, chờ đợi nhiều lần”.
Theo Trung tâm PVHCC tỉnh, sau khi tiếp nhận thủ tục trực tuyến của tổ chức, công dân, cán bộ, công chức sẽ thẩm định, ký số và trình ký cấp trên thông qua hệ thống điện tử. Cán bộ được phân cấp ký phê duyệt cũng sẽ ký bằng chữ ký số và chuyển bộ phận trả kết quả đóng dấu số, trước khi chuyển tiếp kết quả số vào tài khoản dịch vụ công của công dân.
Hiện nay, Trung tâm PVHCC tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành cung cấp 1.620 TTHC trên cổng dịch vụ công của tỉnh, trong đó có 665 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đồng thời, đơn vị đã tích hợp, kết nối TTHC dịch vụ công trực tuyến của các sở, ban, ngành lên cổng dịch vụ công quốc gia. Cấp huyện đã cung cấp 218 TTHC dịch vụ công trực tuyến. Cấp xã đã cung cấp 179 TTHC dịch vụ công trực tuyến. Tỉnh đã cung ứng đầy đủ các điều kiện để mọi tổ chức, công dân có thể thực hiện dịch vụ công toàn trình.
Với dịch vụ công trực tuyến toàn trình, thời gian giải quyết các thủ tục còn được rút ngắn hơn nữa nếu các bước thẩm định và phê duyệt diễn ra nhanh chóng. Ngoài ra, đối với cán bộ, công chức xử lý hồ sơ thủ tục dịch vụ công toàn trình, toàn bộ quy trình giải quyết đều công khai, minh bạch, có sự giám sát, đánh giá nhanh, chậm đối với từng bước, rõ người, rõ việc. Qua đó thể hiện sự chuyên nghiệp trong hoạt động của chính quyền số phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Hiện nay, số hồ sơ trực tuyến toàn trình tăng so với năm 2022. Trong đó, nhiều lĩnh vực có số hồ sơ trực tuyến toàn trình cao gồm: tài nguyên - môi trường; kế hoạch đầu tư; lao động, thương binh và xã hội, nông nghiệp - PTNT, GD - ĐT, GT - VT, xây dựng…
Để triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo chỉ đạo của tỉnh và Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo tiếp tục tích hợp 100% dịch vụ công toàn trình lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định. Các đơn vị, địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ; đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử theo mục tiêu đã đặt ra tại Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 được ban hành tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ.
Đến nay, số hồ sơ dịch vụ công toàn tỉnh đã giải quyết được 165.805/ 175.902 bộ, đúng hẹn 96,5%. Hiện nay, các TTHC của tỉnh đều được cắt giảm 30% về thời gian so với quy định của Trung ương.