Kinh tế

Đắk Nông đầu tư công nghệ cho chế biến nông sản

Lê Dung 17/07/2023 - 06:01

Đắk Nông đang nỗ lực hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản. Đây là một trong những giải pháp để tỉnh nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.

ADQuảng cáo

Giảm chi phí sản xuất

Vừa qua, HTX Nông nghiệp Hợp Thắng Đắk Nông (Gia Nghĩa) đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất mới để sản xuất chanh dây xuất khẩu.

img_1271(1).jpg
Dây chuyền rửa chanh dây tự động tại HTX Nông nghiệp Hợp Thắng Đắk Nông (Gia Nghĩa)

Quá trình đầu tư dây chuyền này, HTX được Quỹ khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng. Dây chuyền mới giúp HTX giảm được rất nhiều chi phí sản xuất, nhân công.

Theo ông Phạm Quang Bình, Giám đốc HTX, sản phẩm chanh dây của HXT chủ yếu cung cấp cho các khách hàng Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc. 

Khó khăn lớn nhất hiện nay của HXT vẫn là trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cơ sở sản xuất chanh dây nhỏ lẻ đang hoạt động. Các cơ sở này sản xuất chanh dây theo kiểu truyền thống, lạc hậu, nên bán sản phẩm với giá thấp.

Còn đối với HTX thì đang tập trung theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm chanh dây, nên giá bán sản phẩm sẽ cao hơn khá nhiều. Do đó, ảnh hưởng tới việc cạnh tranh.

Tuy nhiên, tự động hóa dây chuyền sản xuất là giải pháp tốt giúp HTX cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Trước đây, công đoạn rửa chanh dây ở HTX chỉ làm thủ công, cần tới 15 lao động. Còn hiện nay, HTX chỉ cần 2 người vận hành dây chuyền là có thể phục vụ chế biến chanh dây.

ADQuảng cáo

Tương tự, Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ An Phát (Gia Nghĩa) vừa được nguồn quỹ khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng để mua sắm các loại máy đóng gói, máy cắt thanh hạt gạo lứt tự động.

img_1196(1).jpg
Chế biến thanh hạt dinh dưỡng tại Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ An Phát (Gia Nghĩa)

Bà Trần Thị Dịu, Giám đốc Công ty cho biết, được hỗ trợ máy móc hiện đại đã giúp Công ty cải thiện rất nhiều trọng quá trình sản xuất.

Sản phẩm được chế biến nhanh, gọn hơn và giảm bớt gánh nặng cho những nhân công làm tại xưởng. Năng suất, giá trị sản phẩm đều cao hơn.

Mỗi tháng, Công ty đang cung ứng cho thị trường từ 7-9 tấn sản phẩm. Trong đó, sản phẩm chủ đạo là hạt mắc ca và thanh hạt gạo lức dinh dưỡng. Sản phẩm của Công ty đang có mặt tại các thị trường lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…

Chế biến sâu nguyên liệu tại chỗ

Theo Sở Công thương, trong năm 2023, Đắk Nông đang triển khai thực hiện 11 đề án khuyến công. Trong đó, bao gồm 6 đề án khuyến công quốc gia, với kinh phí hỗ trợ 2,4 tỷ đồng; 5 đề án khuyến công địa phương, với kinh phí gần 1,8 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Thanh Tòng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công Sở Công thương, năm nay, nguồn kinh phí khuyến công tập trung hỗ trợ chủ yếu cho các cơ sở chế biến nông sản. Đây là những doanh nghiệp nhỏ, sản xuất sản phẩm từ nguồn nguyên liệu tại chỗ.

img_1207(1).jpg
Năm 2023, nguồn kinh phí khuyến công ưu tiên hỗ trợ cho các cơ sở chế biến sâu nguyên liệu tại chỗ

Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông rất quan tâm tới hoạt động sản xuất, chế biến của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Đây là cách để tỉnh nâng cao chất lượng những sản phẩm thế mạnh như: cà phê, hồ tiêu, hạt điều, mắc ca, trái cây…

Các cơ sở sản xuất nông sản còn được tỉnh hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối mở rộng thị trường. Từ đó giúp tăng cường năng lực sản xuất, tạo ra giá trị sản phẩm cao hơn, giá thành tốt hơn cho người dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông đầu tư công nghệ cho chế biến nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO