Đời sống

Đắk Nông đầu tư các điểm đến vùng công viên địa chất

Mỹ Hằng 28/12/2023 10:20

Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông đã được thông qua “thẻ xanh” trong lần tái thẩm định danh hiệu CVĐCTC lần thứ 2. Đây là nỗ lực của tỉnh, các địa phương trong đầu tư xây dựng các điểm đến di sản.

Ngay sau khi hệ thống hang động núi lửa Krông Nô được phát hiện và đưa vào nghiên cứu, huyện Krông Nô tích cực triển khai các phần việc liên quan. Ngoài các hình thức tuyên truyền truyền thống huyện còn in ấn 20.000 tờ rơi, 5.000 áp phích về nội dung nâng cao nhận thức bảo vệ di sản trong công đồng để tuyên truyền quảnh bá. Các hành vi khai thác đá, săn bắt động vật, phá rừng, xây dựng trái phép trong vùng CVĐC làm sai lệch hiện trạng di sản… cũng được địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, ngăn chặn.

hinh1-3-2-.jpg
Thông tin về CVĐCTC UNESCO Đắk Nông luôn được các địa phương chú trọng và xây dựng nơi trưng bày

Bằng nhiều nguồn vốn, Krông Nô đã đấu tư xây dựng Trung tâm thông tin CVĐC huyện Krông Nô; công trình khu lưu niệm N’Trang Gưh (tại xã Buôn Choáh)... Các tuyến đường trong hệ thống hang động núi lửa cũng được xây dựng, kết nối tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tại các điểm dừng chân ở các điểm di sản như núi lửa Nâm Kar (điểm số 8)- Thung lũng Mặt trời mọc (điểm số 9)… đều được đầu tư trồng mới cây xanh có hoa tạo bóng mát và cảnh quan. Địa phương xây dựng cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại thị trấn Đắk Mâm, diện tích xây dựng 100m2, kinh phí thực hiện 400 triệu đồng (trưng bày và giới thiệu 30 mặt hàng).

UBND huyện đã phối hợp với Ban Quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông tiến hành khảo sát xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn liền CVĐC tại thôn Quảng Hà, xã Nâm N’đir và mô hình du lịch cộng đồng Yok Nam Nung tại xã Nam Nung. Các mô hình du lịch cộng đồng bước đầu hoạt động khá hiệu quả.

Hiện tại, huyện Krông Nô đang tiếp tục đầu tư công trình điểm số 7 (núi lửa Nâm Kar) và điểm số 9 (Thung lũng Mặt trời mọc) giai đoạn 2022-2025. Sửa chữa, nâng cấp, tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ Khu di tích lịch sử B4, liên tỉnh IV Nâm Nung giai đoạn 2022-2025. Bên cạnh đó, địa phương hoàn thành 4 điểm đỗ xe, 1 nhà chòi quan sát thuộc CVĐC trên địa bàn huyện.

hinh1-4-2-.jpg
Tại các điểm dừng chân, các địa phương đều lăp đặt bảng thôn tin liên qua để du khách tìm hiểu

Ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết: “Xây dựng và vận hành hiệu quả các điểm đến di sản của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong toàn tỉnh chứ không riêng gì huyện. Là vùng lõi và sở hữu nhiều cảnh quan, điểm đến di sản quan trọng nên việc khai thác hiệu quả các điểm di sản, thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm tại các điểm di sản CVĐC trên địa bàn huyện sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Xác định được điều đó nên dù cò nhiều khó khăn nhưng huyện luôn đồng lòng, cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao, xây dựng và bảo vệ thành công danh hiệu CVĐCTC UNESCO Đắk Nông”.

Tương tự, UBND huyện Đắk Glong cũng đã tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất du lịch đối với các điểm đến di sản trên địa bàn huyện. Đối với “Làng nghề đan lát của người M’nông, huyện Đắk Glong đã xây dựng đường bê tông mới đi vào thẳng nhà văn hóa cộng đồng bon Kon Hao để phát triển du lịch.

Riêng mỏ cao lanh và nguyên liệu nhôm đã tích hợp thành điểm di sản “Nơi gặp gỡ giữa đỏ và trắng” và đã xây dựng các hạng mục như nhà trưng bày, nhà trải nghiệm, khu vệ sinh.

Tuyến đi bộ trong rừng tự nhiên, huyện đã triển khai nghiên cứu, xây dựng và chạy thử nghiệm phương án lắp đặt các thiết bị thu phát sóng 4G (wifi) trong khu vực tuyến đi bộ, phục vụ nhu cầu trải nghiệm của du khách. Bên cạnh đó, huyện triển khai thiết lập mã QR đối với từng cây để tạo thuận lợi cho du khách tìm hiểu, nghiên cứu về các loại cây trong tuyến đi bộ này…

hinh1-1-3-.jpg
Miếu Thần đá được UBND huyện Đắk Glong tôn tạo, tu sửa

Tại huyện Cư Jút, để đáp ứng nhu cầu thực tế về phát triển CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, UBND huyện lập dự án đầu tư xây dựng với các hạng mục công trình như Xây dựng Trung tâm thông tin CVĐC huyện Cư Jút; biểu tượng CVĐC huyện Cư Jút gắn với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông; mở rộng bãi đậu xe 300m2, lan can bảo vệ cầu 14 cũ; hệ thống đường đi bộ trải nghiệm ven sông Sêrêpốk dài 500m, cải tạo cảnh quan cũng như các công trình phụ trợ khác… Cư Jút tiến hành khảo sát, lập quy hoạch đầu tư, xây dựng chợ phiên Mông tại xã Cư K'nia, kết hợp phục vụ tham quan, trải nghiệm của du khách. Trên cơ sở đó đưa chợ phiên Mông trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn với phát triển CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.

Với sự chú trọng đầu tư xây dựng và phát triển các điểm đến trong vùng CVĐC, vừa qua, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đã vượt qua kỳ tái thẩm định lần thứ 2 và được thông qua thẻ xanh. Kết quả này minh chứng cho sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông từ tỉnh đến cơ sở.

dsc_8041-1-.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh cùng đoàn chuyên gia thăm Nhà triển lãm nhạc cụ truyền thống dân tộc Mạ, xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa, Đắk Nông

Theo Ban Quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, việc đầu tư và phát triển các điểm đến trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông vẫn còn nhiều khó khăn, lẫn thách thức. Bởi Đắk Nông chưa thu hút nhiều nguồn lực xã hội hóa để đầu tư vào các điểm di sản thuộc CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Một số địa phương chưa chủ động, quan tâm đến phát triển du lịch, chưa bố trí quỹ đất, khoanh vùng tài nguyên để đề xuất đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư du lịch… Do đó, ngoài sự nỗ lực, cân đối nguồn ngân sách Nhà nước thì các địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao để vận hành hiệu quả các điểm đến di sản trên địa bàn.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đắk Nông đầu tư các điểm đến vùng công viên địa chất
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO