Đắk Nông đặt mục tiêu ổn định sản xuất cây cao su
Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2025 ổn định khoảng 24.000 ha cao su. Trước mắt, tỉnh giảm diện tích cao su ở địa bàn không phù hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Những năm qua, khi giá mủ cao su giảm mạnh, nhiều hộ dân, nhất là những hộ có vườn cho năng suất, chất lượng mủ thấp đã chuyển đổi sang các cây trồng khác. Tuy nhiên cũng có nhiều hộ kiên trì bám trụ với cây cao su bằng cách giảm chi phí đầu tư.
Gia đình ông Nguyễn Văn Phương, thôn 2, Trường Xuân (Đắk Song) hiện có gần 1 ha cao su. Những năm qua, dù giá cao su xuống thấp, nhưng ông vẫn kiên trì chăm sóc cây trồng này.
Theo ông Phương, việc chăm sóc cây cao su không quá khó, không cần nhiều chi phí. Để vượt qua thời gian giá cao su giảm sút, ông đã giảm đầu tư phân bón, thay đổi chế độ cạo mủ từ 2 ngày một lần sang 3 - 4 ngày một lần.
Hiện vườn cao su của ông đã bước vào thời kỳ kinh doanh chính, chất lượng mủ đạt cao. Vườn cao su đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình ông.
Anh Lê Văn Trường, thôn 2, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) có 1 ha cao su. Thời gian này, anh đang tập trung chăm sóc để cây cho mũ đạt chất lượng cao.
Anh Trường cho biết, giá cao su những năm gần đây chưa đạt kỳ vọng của người dân. Nhưng anh vẫn quyết định giữ vườn bởi đây là loại cây cho thu nhập khá ổn định trong thời gian dài, có thể đến 20 năm.
"Trong bối cảnh nông nghiệp chịu nhiều biến động bởi thời tiết, giá vật tư, phân bón, cây giống, tôi chưa thấy giải pháp nào hiệu quả hơn để thay thế, chặt bỏ vườn cao su", anh Trường cho biết.
Đắk Nông hiện có trên 24.100 ha cao su, sản lượng năm 2022 đạt khoảng 31.200 tấn. Cao su là mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông khuyến cáo, nông dân cần giữ diện tích cao su ở những vùng cây phát triển tốt, cho chất lượng mủ cao. Bà con chỉ nên thanh lý để chuyển đổi cây trồng khác đối với những vườn cao su già cỗi, sâu bệnh.
Nhà nông cần có sự điều tiết hợp lý trong khâu chăm sóc cao su để giữ chất lượng và sản lượng mủ. Bà con cũng cần tái canh vườn cao su hết tuổi khai thác. Việc tái canh, bà con cần sử dụng giống cao su ghép cho năng suất cao, khánh bệnh, chịu hạn tốt.
Lãnh đạo Sở NN-PNT cho biết, đến năm 2025, Đắk Nông giảm diện tích cao su ở địa bàn không phù hợp và phát triển ổn định khoảng 24.000 ha.
Tỉnh định hướng vùng trồng cao su tập trung tại các địa bàn phù hợp như Cư Jút, Đắk R’lấp, Đắk Glong, Krông Nô và Tuy Đức.
Theo Bộ Công Thương, từ đầu tháng 6/2023 đến nay, giá cao su tại các sàn giao dịch châu Á có xu hướng tăng so với cuối tháng trước do thị trường kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế từ Trung Quốc.
Giá cao su tại thị trường trong nước biến động nhẹ tại một số vùng nguyên liệu. Cụ thể, giá mủ cao su nước tại Đắk Lắk giảm nhẹ về ngưỡng 240-245 đồng/độ. Tại TP. Hồ Chí Minh giá mủ nước lại điều chỉnh tăng lên 270 đồng/độ.
Các vùng nguyên liệu khác giá cao su duy trì ổn định ở mức 245 - 290 đồng/độ. Nhu cầu cao su tự nhiên của thế giới vẫn trong xu hướng tăng và sự chênh lệch cung thấp hơn cầu là cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng sản lượng cao su tự nhiên, tăng kim ngạch xuất khẩu.