Đắk Nông - Đất lành cho khởi nghiệp
Đắk Nông được thiên nhiên ưu đãi với nhiều tiềm năng, lợi thế đang là "miền đất hứa" cho nhiều người khởi nghiệp.
Câu chuyện khởi nghiệp 27 năm trước
Dẫn tôi đi giữa rừng măng cụt rộng 10ha, cao hơn 7m, ông Trần Quang Đông, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) nói về hành trình khởi nghiệp của mình: “Tôi biết ơn vùng đất này. Nó đã cho tôi gặt hái được thành quả như ngày hôm nay”.
Năm 1997, ông Đông bắt đầu những nhát cuốc đầu tiên để khởi nghiệp trên vùng đất đỏ bazan Đắk Nông này. Ngày ấy ông chỉ trồng cà phê để kiến tạo thu nhập.
Sau 3 năm, cà phê bắt đầu cho thu hoạch cũng là lúc giá cà phê trên thị trường rớt thê thảm. Đứng trước khó khăn đó, ông Đông quyết định chuyển đổi giống cây trồng.
Năm 2.000, sau nhiều tính toán và lựa chọn, ông chuyển sang trồng cây ăn trái. Vốn đã sống và lớn lên ở Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) - "cái nôi” của các giống cây ăn trái - nên ông Đông có nhiều kinh nghiệm và quyết định trồng măng cụt.
Lợi thế của cây măng cụt là tuổi thọ của cây lên đến cả trăm năm. Nhưng đầu tư ban đầu của nó dài cũng ngày, phải 6 - 7 năm sau mới cho thu hoạch. “Tôi đã phải trồng xen kẽ các giống cây ngắn ngày để duy trì thu nhập trong giai đoạn đầu," ông Đông chia sẻ.
Nắm bắt nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng, ngay từ khi trồng măng cụt, ông đã áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ. Năm 2013, vườn măng cụt đạt chuẩn VietGAP và ông đã đăng ký sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu độc quyền “Gia Ân” cấp quốc gia. Ông Đông phấn khởi: "Đây là đứa con tinh thần của tôi sau bao lâu ấp ủ".
Khi quả măng cụt đã có chỗ đứng trên thị trường, ông liên kết với công ty đối tác để xúc tiến xuất khẩu đi Hà Lan. Năm 2016, ông đã nâng cấp sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP và duy trì cho tới nay.
Sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đòi hỏi các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, đất, môi trường luôn được kiểm tra, thực hiện theo đúng quy trình, ghi chép đầy đủ và đặc biệt chỉ sử dụng những thứ trong danh mục cho phép.
Tháng 12/2023, măng cụt của trang trại Gia Ân được tỉnh Đắk Nông công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là bước ngoặt quan trọng góp phần nâng cao giá trị sản phẩm của ông trên thị trường.
Cây măng cụt trồng ở Đắk Nông phát triển tốt. Cây trồng đúng vụ, nhưng ra quả lại nghịch tự nhiên. Ở miền Tây Nam bộ, măng cụt thường ra vụ tháng 4. Nhưng với vườn măng cụt của gia đình ông Đông cho quả từ tháng 7 - 10 hàng năm.
"Đây chính là lợi thế tự nhiên mà vùng đất này ưu đãi đối với người trồng măng cụt", ông Đông chia sẻ.
Để khai thác tối đa lợi thế sẵn có, ông Đông không ngừng củng cố thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm. Măng cụt của trang trại Gia Ân được dán tem truy xuất nguồn gốc có thương hiệu, chất lượng rõ ràng. Bình quân mỗi năm ông Đông xuất bán ra thị trường khoảng 70-80 tấn măng cụt, với giá trung bình 80.000 đồng/kg.
Để tăng giá trị nông sản, tìm hướng đi cho trang trại, ông Đông đang hướng tới đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Ông sẽ xây dựng kho lạnh để trữ hàng và phát triển công nghệ sấy thăng hoa cho sản phẩm
Đứng giữa rừng măng cụt, tôi cảm nhận được sự lạc quan, hứng khởi, tâm huyết và niềm đam mê của một người nông dân hiện đại. Người đã chọn đối mặt với thách thức để tạo ra một hành trình khởi nghiệp thành công.
Trái cây đặc sản Đắk Nông
Tỉnh Đắk Nông có độ cao trung bình 600-700m so với mặt nước biển, với khí hậu nhiệt đới ẩm, hệ thống đất đai phong phú, đa dạng phù hợp phát triển nhiều loại cây ăn quả.
Tại cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đánh giá, Đắk Nông có đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu mát mẻ quanh năm, nên trồng cây gì cũng được.
"Có thể nói, nước ta có cây trồng gì thì Đắk Nông trồng được cây đó. Các loại cây khi trồng ở Đắk Nông đều phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Nông nghiệp Đắk Nông có tiềm năng, lợi thế rất lớn. Cây ăn quả ở Đắk Nông chất lượng tốt, có thể cạnh tranh với các vựa trái cây lớn trong nước".
Trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh, tỉnh Đắk Nông chú trọng phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, chuyên sâu, có đủ năng lực, sức cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Tỉnh Đắk Nông kêu gọi, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại, chế biến sâu nông sản hàng hóa, tạo giá trị gia tăng cao, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường và với định hướng chung. Đắk Nông thu hút, khuyến khích các HTX, trang trại, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sơ chế, chế biến nông sản được tỉnh quan tâm.
Đắk Nông hiện có 369 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Toàn tỉnh hiện có 65 liên kết thuộc 9 ngành hàng, với 9.660 hộ tham gia, chiếm khoảng 10% giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp.
Có 84 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, chế biến nông sản ở Đắk Nông. Tỉnh có trên 189 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đắk Nông có gần 320.000 ha cây trồng lâu năm và hằng năm. Tỉnh đã định hình phát triển 23 sản phẩm chủ lực. Tỉnh quy hoạch phát triển những vùng nguyên liệu quy mô lớn, sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn chất lượng cao, đặc sản, gắn với tiềm năng, lợi thế địa phương để nâng cao giá trị.
Ngoài nông nghiệp, Đắk Nông còn rất nhiều lợi thế khác để khởi nghiệp. Tỉnh có lợi thế lớn về công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo; phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu; phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa đặc trưng sinh thái bản địa; Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Đặc biệt, tỉnh đang nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kiến tạo cơ bản cho khởi nghiệp. Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là tiền đề vô cùng quan trọng để thu hút, mời gọi đầu tư, khởi nghiệp trên vùng đất Đắk Nông...