Kinh tế

Đắk Nông đáp ứng nước tưới trên 83% diện tích cây trồng

Trần Thị Thoan 28/08/2024 18:01

Ngành Thủy lợi Đắk Nông không ngừng lớn mạnh về cả quy mô, chất lượng, hiệu quả đóng góp lớn vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Ngày 28/8, Sở NN - PTNT Đắk Nông tổ chức Tọa đàm kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Thủy lợi Việt Nam (28/8/1945-28/8/2024).

dsc_0785.jpg
Giám đốc Sở NN - PTNT Đắk Nông Phạm Tuấn Anh (thứ 3 từ trái qua) tặng hoa chúc mừng toàn thể nhân lực ngành Thủy lợi tỉnh

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cùng nhau ôn lại chặng đường 79 năm qua của ngành Thủy lợi. Từ chỗ cả nước chỉ có 13 hệ thống thủy lợi lớn bảo đảm nước tưới cho 324.000ha, năng lực tiêu khoảng 77.000ha vào năm 1945, đến nay cả nước đã xây dựng hàng nghìn hệ thống công trình thủy lợi với khoảng 7.000 hồ chứa, 10.000 trạm bơm điện lớn, 5.500 cống tiêu lớn, 250.000km kênh mương và 26.000km đê.

Các hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới cho khoảng 7,5 triệu ha đất gieo trồng lúa, 1,5 triệu ha rau màu, cây công nghiệp, cấp 6 tỷ m3 nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp.

Thủy lợi góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều loại nông sản có vị thế cao trên thị trường quốc tế.

5.jpg
Đắk Nông hiện có 310 công trình thủy lợi

Tại Đắk Nông, ngành Thủy lợi cũng không ngừng lớn mạnh. Lúc tái lập, tỉnh chỉ có 106 công trình thủy lợi, chủ yếu là các công trình thủy lợi nhỏ, các công trình thủy lợi phục vụ cho khoảng 13.000ha cây trồng. Tỷ lệ tưới chủ động đạt 32% so với tổng diện tích có nhu cầu.

Đến năm 2024, Đắk Nông có 310 công trình thủy lợi. Tỷ lệ tưới cho các loại cây trồng có nhu cầu tưới trên địa bàn tỉnh từ các nguồn nước khác nhau đạt khoảng 83,55%.

dsc_0768.jpg
Tỷ lệ tưới cho các loại cây trồng có nhu cầu tưới trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 83,55%.

Về công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn lúc tái lập tỉnh mới chỉ có 12 công trình, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho khoảng 1.000 hộ dân. Nay tỉnh có 262 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, cấp nước sạch cho khoảng 25.000 hộ dân.

dsc_0835.jpg
Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Đắk Nông khẳng định đội ngũ nhân lực công ty quyết tâm cao để tăng hiệu quả quản lý vận hành công trình thủy lợi, nước sinh hoạt tập trung nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng đã nêu lên những khó khăn, thách thức của ngành Thủy lợi hiện nay, điển hình như nhu cầu sử dụng nước của các ngành tăng đột biến trong khi tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh có hạn và đang bị suy thoái nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng.

dsc_0821.jpg
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hoàng Văn Nghĩa phụ trách mảng thủy lợi khẳng định toàn ngành sẽ đổi mới công tác quản lý, vận hành công trình theo hướng hiệu quả, bền vững, trách nhiệm cao.

Các hệ thống thủy lợi đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng trong khi đó hàng năm nguồn vốn đầu tư cho các công trình thủy lợi rất hạn chế; tình trạng lấn chiếm hành lang vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương. Nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn hư hỏng, ngưng hoạt động nhưng thiếu hoặc không có nguồn kinh phí sửa chữa nên khả năng duy trì hoạt động là rất khó khăn.

dsc_0828.jpg
Các đại biểu khẳng định, toàn ngành Thủy lợi sẽ phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành

Các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu về tái cơ cấu ngành Thủy lợi trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác công trình, nâng cao năng lực, trách nhiệm, đội ngũ quản lý, vận hành…

dsc_0812.jpg
Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông Phạm Tuấn Anh kỳ vọng ngành Thủy lợi đáp ứng cao hơn yêu cầu của nông dân tỉnh

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Giám đốc Sở NN-PTNT đã chúc mừng cán bộ ngành Thủy lợi Đắk Nông, mong muốn toàn ngành khắc phục các khó khăn, thích ứng với các thách thức, đáp ứng tốt các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là sự kỳ vọng của nông dân.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông đáp ứng nước tưới trên 83% diện tích cây trồng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO