Kinh tế

Đắk Nông đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Phan Thanh Nga 18/10/2024 14:12

Đắk Nông đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Ấn tượng đào tạo nghề gắn với việc làm

Giai đoạn 2021 - 2023, Đắk Nông có 57.583 lượt lao động được tạo việc làm. Lao động được tạo việc làm trong nước là 56.336 lượt người, đi làm việc ở nước ngoài 1.247 lượt người. Giai đoạn này, số lao động được đào tạo nghề của tỉnh Đắk Nông là 19.167 người.

img_0039-1-.jpg
Người trẻ ở xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa được đào tạo nghề dệt thổ cẩm

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Đắk Nông tiếp tục ghi dấu ấn về đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Trong đó, tỉnh đào tạo nghề cho 6.865 người, đạt trên 171% kế hoạch năm, đạt 360% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, 6 người trình độ cao đẳng; 221 người trình độ trung cấp; 6.638 người trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng.

Số lao động được tạo việc làm 9 tháng của năm 2024 là 15.398 lượt người, đạt 84,06% so với kế hoạch năm, chiếm 109% so với cùng kỳ năm 2023.

Lao động của Đắk Nông được đào tạo nghề đa dạng cả lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp; trong đó, chủ yếu là các nghề về trồng trọt, chăn nuôi, nấu ăn, lái ô tô, may mặc…

Đa số lao động sau khi đào tạo có việc làm ổn định, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập.

4(1).jpg
Lao động của Đắk Nông được dạy nghề may công nghiệp

Chị Hoàng Thị Bình, xã Đắk N’Drót, huyện Đắk Mil cho biết, gia đình có hơn 1ha đất trồng cà phê, sầu riêng. Mặc dù có hàng chục năm làm nông nghiệp nhưng kiến thức chưa đầy đủ nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao.

Nhờ được địa phương tổ chức cho học nghề, chị Bình đã nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt và áp dụng bài bản đã nâng cao thu nhập cho gia đình.

O NAM MT

Chị H’Jang, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong chia sẻ, biết dệt thổ cẩm từ bé. Tuy nhiên, khi được học nghề đã giúp nâng cao kỹ thuật. Trong quá trình dệt thổ cẩm, chị H’Jang sáng tạo đã tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tiếp sức cho người lao động

Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Nông tư vấn chính sách pháp luật lao động, giới thiệu việc làm, đi làm việc ở nước ngoài và tuyên truyền hỗ trợ định hướng nghề nghiệp cho trên 27.810 lượt người.

Trung tâm phối hợp với các địa phương tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm… thu hút trên 7.600 người tham gia.

Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông đánh giá: “Các phiên giao dịch việc làm góp phần kết nối cung - cầu giữa người lao động với doanh nghiệp. Thông qua các phiên giao dịch việc làm lưu động, người dân được tuyên truyền chính sách, pháp luật về công tác lao động, việc làm và đi làm việc ở nước ngoài từ đó định hướng nghề nghiệp, việc làm phù hợp”.

2(1).jpg
Đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Đắk Glong được đào tạo nghề dệt thổ cẩm

Cùng với đào tạo nghề, giải quyết việc làm, từ năm 2021 đến nay, Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội Đắk Nông cho vay 12.729 dự án với tổng 589 tỷ đồng; hỗ trợ tạo việc làm thêm cho trên 12.000 lượt lao động.

Nhiều lao động yếu thế là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình.

5(1).jpg
Đào tạo tin học cho lao động

Trong mọi hoàn cảnh, thời điểm, công tác giải quyết việc làm cho lao động luôn được các cấp, các ngành của Đắk Nông quan tâm sâu sắc.

Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông chia sẻ: “Giai đoạn 2020 -2021, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị tạm ngừng, đóng cửa. Đắk Nông có 30.000 lao động làm việc ở ngoài tỉnh bị ngừng việc làm, chấm dứt hợp đồng trở về địa phương. Ngành đã rà soát, nắm bắt tâm tư, nhu cầu việc làm của người lao động và đã đào tạo nghề, kết nối tạo việc làm, sớm ổn định cuộc sống”.

7(1).jpg
Người lao động được dạy về nấu ăn

Những kết quả đạt được trong đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã đóng góp tích cực trong công cuộc thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của Đắk Nông.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Đắk Nông năm 2023 đạt 5,74%, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của tỉnh đạt 68 triệu đồng/người/năm, cao gấp 12 lần so với 2004 khi mới tái thành lập tỉnh.

Giai đoạn 2021-2023, mỗi năm Đắk Nông giảm 3% hộ nghèo. Hiện nay, Đắk Nông là tỉnh giảm nghèo nhanh nhất khu vực Tây Nguyên và là một trong 10 tỉnh giảm nghèo nhanh nhất cả nước, trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm từ 30,14% năm 2019 xuống còn 13,2% vào cuối năm 2023.

Giai đoạn 2021-2025, Đắk Nông ước tính đào tạo nghề cho 27.167 người, đạt khoảng 136% kế hoạch và tạo việc làm của tỉnh là 94.283 lượt người, đạt khoảng 105% kế hoạch.

Phát huy những kết quả đạt được, Sở LĐ –TB –XH tiếp tục tập trung đẩy mạnh tác tuyên truyền về đào tạo nghề, tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm.

Ngành tập trung đào tạo, phát triển đa dạng và phong phú ngành nghề; nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là những ngành nghề xu hướng có thu nhập cao.

Bên cạnh nâng cao chất lượng lao động và phục vụ trong tỉnh, Đắk Nông tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu việc làm cho các tỉnh lân cận, lao động tại các nước.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO