Văn hóa

Đắk Nông “đánh thức” văn hóa dân tộc thiểu số tại chỗ

Hoàng Dương 26/11/2024 05:45

Bằng nhiều giải pháp, tỉnh Đắk Nông đang nỗ lực “đánh thức” giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số tại chỗ.

Nguy cơ mai một

Mân mê chiếc m’buốt trên tay, ánh mắt của nghệ nhân H’Grao, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong đượm buồn khi trải lòng với tôi về nỗi niềm với văn hóa dân tộc Mạ đang dần bị mai một.

Bà H’Grao cho biết, ngay từ khi còn nhỏ, âm nhạc của người Mạ luôn hiện hữu trong đời sống của bà. Ở thế hệ của bà, hầu như trong gia đình nào cũng có người chơi được các nhạc cụ dân tộc. Như chiếc m’buốt này, ngày xưa cha bà H’Grao hay thổi để ru con ngủ. Tiếng m’buốt đã len vào giấc ngủ của bà H’Grao và những đứa trẻ người Mạ từ nhiều đời nay.

dscf0973(1).jpg
Nghệ nhân H’Grao, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong được Chủ tịch nước tặng Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” năm 2019

“Bản thân tôi có thể chơi thành thục nhiều nhạc cụ như m’buốt, t’ron, t’rông, chiêng... và hát thành thục gần 100 bài dân ca của dân tộc Mạ. Tuy nhiên hiện nay, những người giữ gìn nhạc cụ và biết chơi nhạc của dân tộc Mạ như tôi còn rất ít, chủ yếu là người già”, nghệ nhân H’Grao cho biết.

Với mong muốn truyền dạy văn hóa dân tộc Mạ, vợ chồng nghệ nhân H’Grao, K’Bột đã từng mong muốn mở 1 lớp dạy chơi nhạc cụ của người dân tộc Mạ. Tuy nhiên, lớp học cũng chẳng duy trì được bao lâu vì không có ai theo học. Bản thân vợ chồng nghệ nhân H’Grao có 9 người con nhưng cũng không có người con nào biết chơi nhạc cụ.

“Âm nhạc và nhạc cụ người Mạ đang dần bị mai một. Tôi lo rằng không chỉ âm nhạc mà ngay cả văn hóa của dân tộc Mạ cũng sẽ dần bị mai một trong tương lai nếu không được các thế hệ sau kế thừa và phát huy”, nghệ nhân H’Grao tâm sự.

Người Mạ là một trong số những DTTS tại chỗ ở Đắk Nông với nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc sắc. Tuy nhiên, hiện nay không chỉ người Mạ, nhiều đồng bào DTTS tại chỗ khác như M’nông, Ê đê đang gặp khó trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Trong đó, sự thay đổi của môi trường sống đã tác động mạnh đến đời sống sinh hoạt và thói quen văn hóa truyền thống của cộng đồng cư dân bản địa tỉnh Đắk Nông. Hiện nay, người DTTS tại chỗ không cư trú độc lập như xưa mà sống xen kẽ cùng các đồng bào dân tộc khác.

Thêm vào đó, quá trình đô thị hóa làm thay đổi không gian văn hóa truyền thống, đặc biệt không gian diễn xướng dần mất đi. Vì vậy, mặc dù các loại hình văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS vẫn tồn tại và duy trì cho đến ngày nay, tuy nhiên vị trí trong đời sống sinh hoạt của nó đã được chuyển đổi.

dscf5241(1).jpg
Ngày nay, các lễ hội truyền thống của bà con DTTS tại chỗ chỉ còn xuất hiện trong các hoạt động văn hóa do Nhà nước tổ chức

Nếu như trước đây, các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian được tổ chức thường xuyên ở các bon, buôn đồng bào DTTS tại chỗ thì giờ đây trở nên thưa thớt và dần bị mai một. Một số lễ hội văn hóa truyền thống như: Lễ cúng thần rừng, Lễ cúng bến nước của người Mạ, Lễ Tăm Blang M’prang Bon của người M’nông, Lễ kết nghĩa anh em của người Ê đê,... chỉ còn xuất hiện trong các hoạt động văn hóa do Nhà nước tổ chức.

Bên cạnh đó, đời sống kinh tế của các DTTS tại chỗ còn nhiều khó khăn nên chưa có điều kiện và thời gian quan tâm đến việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Thế hệ trẻ người đồng bào DTTS tại chỗ ngày nay cũng không còn “mặn mà” với văn hóa truyền thống, cũng là lý do khiến cho việc giữ gìn và bảo lưu văn hóa truyền thống càng trở nên khó khăn hơn.

Nỗ lực bảo tồn văn hóa

Đều đặn vào mỗi sáng cuối tuần, anh Y’Hữu, dân tộc M’nông ở bon Phai Kol Pru Đăng, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa và các thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng trong bon lại có mặt tại nhà văn hóa để tham gia học và tập luyện diễn tấu cồng chiêng.

Anh Y’Hữu chia sẻ, ngày nhỏ thấy các già làng đánh chiêng trong các lễ hội đã khiến anh say mê với tiếng chiêng. Bắt đầu theo học đánh chiêng từ năm 14 tuổi, hiện nay, khi vừa bước sang tuổi 18, dù là thành viên trẻ nhất trong CLB nhưng anh Y’Hữu đã chơi được gần như trọn bộ chiêng 6 chiếc của đồng bào M'nông.

dscf9888(1).jpg
Em Y'Hữu (đứng thứ 2, từ trái qua phải) là thành viên trẻ nhất trong CLB cồng chiêng bon Phai Kol Pru Đăng, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa

Không chỉ biết nhiều điệu múa chiêng, múa xoang, chị H’Thanh Kẽn, Đội trưởng CLB cồng chiêng bon Phai Kol Pru Đăng còn tìm tòi, học hỏi các nghệ nhân có uy tín của đồng bào M'nông để phục dựng và truyền dạy các điệu múa kết hợp với tiếng chiêng cho các bạn trẻ trong bon.

Chị H’Thanh Kẽn cho biết: “Được sự quan tâm và hỗ trợ của các cấp ủy chính quyền, CLB cồng chiêng đã được duy trì nhiều năm nay. Tôi mong rằng, đội cồng chiêng của bon có thể góp phần nhỏ vào công cuộc bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa đẹp đẽ của đồng bào dân tộc M’nông”.

dscf9896(1).jpg
Chị H’Thanh Kẽn (đứng thứ nhất, từ trái qua, hàng đầu tiên) tìm tòi, học hỏi các nghệ nhân có uy tín của đồng bào M'nông để phổ dựng và truyền dạy các điệu múa kết hợp với tiếng chiêng cho các bạn trẻ trong bon

Bà Lê Thị Trúc Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, nhằm cụ thể hóa việc triển khai và đạt được các mục tiêu của Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh, ngành VH-TT-DL đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về việc bảo tồn, kế thừa và phát huy di sản văn hóa dân tộc bản địa cho cộng đồng dân cư.

Trong đó, ngành đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với nghề dệt thủ công truyền thống của người M'nông; lễ cúng thần rừng của dân tộc Mạ; lễ Tăm Blang M’prang Bon của dân tộc M'nông; công nhận bộ sưu tập đàn đá Đắk Sơn là bảo vật quốc gia,... Ngoài ra, ngành Văn hóa đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ nhân Nhân dân đối với 2 nghệ nhân, phong tặng và truy tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú đối với 13 nghệ nhân.

Hoạt động khôi phục, duy trì và phát huy giá trị văn hóa các nghi lễ, lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh được tổ chức có chiều sâu, tăng dần cả về số lượng và chất lượng. Các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS được tái hiện nguyên bản, rõ nét. Cụ thể, Đắk Nông đã tổ chức và khôi phục thành công 18 lễ hội, 4 ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc cấp huyện.

dscf3890(1).jpg
Lễ kết nghĩa anh em của người Ê đê xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút được tổ chức, phục dựng với các nghi thức theo truyền thống

Bên cạnh đó, ngành Văn hóa tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa, chú trọng bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng,... “Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng xác định văn hóa các DTTS tại chỗ là bộ phận quan trọng của nền văn hóa đa dạng, thống nhất ở Đắk Nông, ngành Văn hóa tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cộng đồng dân cư bản địa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội”, bà Linh cho biết.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đắk Nông “đánh thức” văn hóa dân tộc thiểu số tại chỗ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO