Đắk Nông đánh giá tiềm năng phát triển hồ tiêu nuôi cấy mô
Chiều 16/11, Sở KHCN tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá tiềm năng phát triển của cây hồ tiêu nuôi cấy mô trong điều kiện canh tác tại Đắk Nông.
Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu, xác định khả năng sinh trưởng, phát triển và chống chịu của cây hồ tiêu nuôi cấy mô ngoài đồng ruộng. Đề tài khoa học do Ths. Đỗ Văn Chung, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên chủ trì. Đề tài được thực hiện từ tháng 12/2020 - 12/2023.
Tại hội thảo, chủ nhiệm đề tài, các đại biểu đề nghị tiếp tục theo dõi, đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển cây hồ tiêu nuôi cấy mô ngoài đồng ruộng ở thời kỳ kinh doanh để đánh giá được năng suất, chất lượng của cây hồ tiêu nuôi cấy mô.
Phần lớn lượng cây giống hồ tiêu nuôi cấy mô được cung cấp cho người trồng tại Đắk Song và TP. Gia Nghĩa đều được trồng dặm trong vườn tiêu của gia đình. 4 hộ đã sử dụng cây hồ tiêu nuôi cấy mô trồng tập trung và sử dụng cây choái sống để leo bám.
Tính đến thời điểm kiểm tra, nhóm nghiên cứu chưa nghi nhận bất cứ loại sâu bệnh nghiêm trọng nào trên cây hồ tiêu nuôi cấy mô trồng tại Đắk Nông. Khả năng sinh trưởng và phát triển của cây hồ tiêu nuôi cấy mô so với giâm hom lươn có sự khác biệt lớn về chiều cao, tỷ lệ ra cành ác, tỷ lệ đôn và tỷ lệ cây chết…
Đắk Nông có diện tích hồ tiêu lớn nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Năm 2014, diện tích hồ tiêu của tỉnh chỉ gần 13.896ha, sản lượng đạt gần 17.682 tấn. Đến năm 2017 đã tăng lên gần 32.902 ha, sản lượng đạt hơn 38 ngàn tấn. Tuy nhiên, đến năm 2018, diện tích hồ tiêu trồng mới của Đắk Nông lại có xu hướng giảm. Tỷ lệ tiêu chết nhanh, chết chậm, bệnh hại diễn ra nhiều ở các vườn trồng.