---- Pháp luật

Đắk Nông đã thu hơn 982 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng 

Lê Phước 29/07/2023 06:37

Sau hơn 10 năm triển khai, tỉnh Đắk Nông đã thu hơn 982 tỷ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Nguồn thu này đã đóng góp đáng kể cho công tác bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh.

ADQuảng cáo

Đẩy mạnh tuyên truyền

Từ năm 2012 tới nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BVPTR) đã quan tâm đến các hoạt động về tuyên truyền về chi trả DVMTR. Đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền những văn bản liên quan đến chi trả DVMTR như: Luật Lâm nghiệp, Nghị định 99/2010 và Nghị định 156/2018 của Chính phủ.

Theo thống kê, Quỹ BVPTR đã tổ chức hơn 100 cuộc hội thảo, tập huấn triển khai chi trả DVMTR cho người dân tham gia bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Đơn vị tuyên truyền hơn 2.000 băng rôn, cờ, phướn, 43 bảng cố định. Ngoài ra, đơn vị tổ chức truyền thanh lưu động tại các huyện, thành phố của tỉnh.

Quỹ BVPTR đã tổ chức in ấn và cấp phát các vật phẩm tuyên truyền về chi trả DVMTR. Có khoảng 4.000 cuốn sổ tay, 2.000 tờ rơi, 3.000 mũ tai bèo… đã được cấp phát cho các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và người dân. Đơn vị phối hợp với nhiều cơ quan báo, đài để thực hiện các chuyên trang, phóng sự, bản tin… tuyên truyền về chi trả DVMTR.

a-lam-viec(1).jpg
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Đắk Nông làm việc với đơn vị sử dụng DVMTR

Bên cạnh đó, Quỹ BVPTR đã đề nghị các đơn vị chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn (bon), UBND cấp xã được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng, được thụ hưởng tiền chi trả DVMTR tích cực tuyên truyền đến các hộ gia đình, cá nhân sống gần rừng. Nhiều bảng tuyên truyền, tổ chức họp dân phổ biến chính sách… đã được các đơn vị chủ rừng thực hiện.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, chính quyền và người dân đã hiểu rõ hơn về chi trả DVMTR, đặc biệt là những đơn vị cung ứng và sử dụng DVMTR.

Nhờ vậy, nhận thức và trách nhiệm đối với công tác BVPTR của cộng đồng từng bước được nâng lên. Những người được hưởng lợi từ rừng hoặc các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến rừng hiểu được chi trả DVMTR, góp phần thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nông nghiệp.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông được thành lập tháng 11/2008. Bộ máy quản lý điều hành của Quỹ gồm: Hội đồng quản lý Quỹ (do Giám đốc Sở NN-PTNT làm Chủ tịch), Ban Kiểm soát, Ban điều hành Quỹ và các phòng chuyên môn. Quỹ được UBND tỉnh Đắk Nông giao quyền tự chủ về tài chính từ năm 2012.

Thu chi đúng quy định

Thời gian qua, Quỹ BVPTR đã xúc tiến đàm phán, ký kết hợp đồng đối với các đơn vị thuỷ điện đã đi vào hoạt động, các cơ sở sản xuất nước sạch, các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh. Quỹ đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị sử dụng DVMTR thực hiện nghĩa vụ nộp tiền chi trả DVMTR đúng quy định.

Đến nay, Quỹ BVPTR tỉnh Đắk Nông đã ký kết được 21 hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR. Trong số này, có 10 đơn vị thủy điện, 3 cơ sở sản xuất nước sạch và 8 đơn vị sử dụng nước phục vụ sản xuất công nghiệp.

dji_0645(1).jpg
Chi trả DVMTR góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ phát triển kinh tế và bảo vệ rừng

Quỹ BVPTR Đắk Nông phối hợp với Quỹ BVPTR Việt Nam, Quỹ BVPTR có chung lưu vực ký kết 25 hợp đồng đối với các đơn vị sử dụng DVMTR liên tỉnh. Đến nay, 100% các đơn vị sử dụng dịch vụ đã được thực hiện ký kết hợp đồng chi trả theo quy định.

ADQuảng cáo

Từ năm 2012 đến 2021, Quỹ BVPTR đã thực hiện chi trả DVMTR theo 2 hệ thống sông chính là lưu vực sông Đồng Nai và lưu vực sông Sêrêpốk. Từ năm 2022, Quỹ BVPTR tiến hành chi trả theo từng lưu vực cung ứng DVMTR (quy định tại Nghị định 156 của Chính phủ).

Từ năm 2012 đến hết tháng 4/2023, tổng tiền DVMTR đã thu trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Nông là 982,5 tỷ đồng. Tổng số tiền DVMTR đã chi trả là 808,7 tỷ đồng.

info(2).jpg
Diện tích và các đối tượng ở Đắk Nông được hưởng chi trả DVMTR

Hiện nay, việc chi trả DVMTR cho tất cả các đơn vị chủ rừng ở Đắk Nông đều được thực hiện bằng hình thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Điều này giúp minh bạch hóa thông tin, đồng thời giảm thời gian, chi phí đi lại và các vấn đề phát sinh trong quá trình chi trả DVMTR.

Tạo sự chuyển biến tích cực

Theo Giám đốc Quỹ BVPTR Đắk Nông Nguyễn Ngọc Xuân, trải qua một thời gian triển khai chi trả DVMTR, hiện quỹ đã không ngừng lớn mạnh. Điều này góp phần vào thành công chung trong công tác BVPTR của Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên và cả nước nói chung.

dji_0865(1).jpg
Chi trả DVMTR đang góp phần bảo vệ và phát triển rừng của Đắk Nông

DVMTR giúp huy động nguồn tài chính ổn định để đầu tư cho BVPTR, góp phần quan trọng trong việc quản lý, khai thác có hiệu quả, bền vững tài nguyên đất đai trong lâm nghiệp. Điều này góp phần cải thiện điều kiện sống, giải quyết việc làm, thực hiện thành công chính sách giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội.

Người tham gia trồng và bảo vệ rừng được đánh giá đúng mức, góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững trên địa bàn tỉnh. Chi trả DVMTR đã tác động trực tiếp góp phần làm giảm số vụ, diện tích thiệt hại vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn trong thời gian qua.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ, thời gian qua, Quỹ BVPTR đã hoạt động ngày càng hiệu quả.

Đơn vị đã từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, giám sát, kiểm tra, nghiệm thu xác định diện tích chi trả DVMTR. Điều này giúp công tác chi trả DVMTR thực hiện đúng đối tượng, đúng pháp luật.

1(1).jpg

Nhưng trước tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn diễn biến phức tạp, đơn vị cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, góp sức nhiều hơn nữa cho công tác BVPTR.

Cụ thể, Quỹ BVPTR cần tập trung tham mưu cho ngành lâm nghiệp thực hiện các giải pháp để giữ vững diện tích rừng tự nhiên hiện có, tăng diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng.

2(1).jpg

Mục tiêu của Đắk Nông là từng bước tăng diện tích rừng trồng mới thêm một số diện tích rừng sản xuất để phát triển thành rừng tự nhiên, góp phần vào mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông đã thu hơn 982 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO