Đắk Nông đa dạng hình thức góp ý sửa đổi Hiến pháp 2013
Đắk Nông đẩy mạnh tuyên truyền, lấy ý kiến Nhân dân góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Qua đó, người dân đã tích cực tham gia đóng góp.
Đắk Ha làm việc không kể thứ bảy, chủ nhật
Tại xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, việc lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp đang bước vào giai đoạn cao điểm. Cấp ủy, chính quyền địa phương xác định đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là đợt sinh hoạt pháp lý sâu rộng, tạo điều kiện để người dân thể hiện trách nhiệm công dân trong tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Ngay sau khi nhận được chỉ đạo từ cấp trên, UBND xã Đắk Ha đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để quán triệt nội dung, ý nghĩa của việc sửa đổi Hiến pháp, đồng thời hướng dẫn sử dụng ứng dụng VNeID để thực hiện góp ý.
Thiếu tá Đỗ Thế Anh, Phó Trưởng Công an xã Đắk Ha cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Công an xã đã tham mưu Đảng ủy, UBND xã xây dựng kế hoạch triển khai đồng loạt việc lấy ý kiến qua ứng dụng VNeID, trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các ban tự quản thôn, bon và trường học. Công an xã phân công 8 đồng chí tham gia vào 8 tổ để trực tiếp xuống địa bàn hướng dẫn người dân cách thức góp ý”.

Với tinh thần khẩn trương, các tổ công tác phối hợp ban tự quản thôn, bon tích cực đến từng nhà, từng khu dân cư hướng dẫn cài đặt, định danh mức độ 2 và thao tác góp ý trên ứng dụng VNeID. Nhờ vậy, người dân dễ dàng tiếp cận, nắm bắt quy trình và tự tin đưa ra ý kiến cá nhân.
Anh Sùng A Lâu, thôn 5 chia sẻ: “Qua hướng dẫn của Công an xã, tôi đã tham gia góp ý thành công. Việc thao tác trên ứng dụng VNeID không khó, tôi còn có thể hướng dẫn cho bà con trong thôn”.

Theo ông Cù Xuân Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ha, chính quyền địa phương đặt mục tiêu 100% cán bộ, công chức xã, giáo viên các trường học, lực lượng công an xã, chi bộ, ban tự quản thôn hoàn thành việc góp ý qua ứng dụng VNeID trước ngày 20/5.
“Chúng tôi xem việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp là dịp quan trọng để mỗi công dân thể hiện trách nhiệm với đất nước. Tôi tin rằng, việc sắp xếp lại bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sẽ giúp chính quyền gần dân hơn, xử lý thủ tục hành chính nhanh gọn hơn, quyền lợi Nhân dân được bảo đảm hơn”, ông Sang khẳng định.
Còn Bí thư Đảng ủy xã Đắk Ha Nguyễn Thị Quế cho biết thêm: “Chúng tôi yêu cầu các tổ công tác làm việc cả ngày lẫn đêm, không kể thứ bảy, chủ nhật để đạt tiến độ. Quá trình triển khai, chúng tôi còn phối hợp chặt chẽ với các chức sắc tôn giáo, người có uy tín để vận động, hướng dẫn người dân tham gia góp ý đầy đủ”.
Đa dạng hình thức tuyên truyền, lấy ý kiến
Người dân tham gia góp ý thông qua nhiều hình thức linh hoạt: ứng dụng VNeID; Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Chính phủ, UBND tỉnh; trang phổ biến giáo dục pháp luật; gửi văn bản trực tiếp đến các cơ quan chức năng.
Các đơn vị, địa phương tùy vào thực tế, tình hình tổ chức hội nghị, tọa đàm, hội thảo thu thập ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên và Nhân dân... Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó, ứng dụng VNeID vào lấy ý kiến đã góp phần rút ngắn thời gian và thuận tiện cho người dân, nhất là dễ nhớ, dễ thực hiện.

Các cơ quan như Báo Đắk Nông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh mở chuyên mục, thường xuyên đăng tải các tin, bài liên quan đến việc lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp, mục đích, ý nghĩa; đồng thời phản ánh thực tế quá trình triển khai lấy ý kiến toàn dân.
Các trang, mạng xã hội cũng kịp thời đăng tải các nội dung, hướng dẫn sử dụng ứng dụng VNeID trong đóng góp ý kiến. Hoạt động tạo sức lan tỏa sâu rộng làm cho việc góp ý sửa đổi Hiến pháp đến được với đông đảo các tầng lớp Nhân dân.

Thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, vận động và tổ chức lấy ý kiến Nhân dân trên nền tảng công nghệ, Công an tỉnh phối hợp các sở, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, định danh và thao tác góp ý qua VNeID. Quá trình triển khai, lực lượng công an rà soát, loại bỏ các ý kiến không mang tính xây dựng hoặc chống phá, xuyên tạc về việc đóng góp sửa đổi Hiến pháp năm 2013.
Ngoài các điểm hỗ trợ cố định, lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở còn trực tiếp đi đến từng địa bàn, từng gia đình để giúp người dân trong góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013.
Hệ thống MTTQ các cấp trong tỉnh cũng tích cực vào cuộc. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 64 về tổ chức lấy ý kiến trong hệ thống mặt trận đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.

Theo đó, mặt trận các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức tôn giáo, hội đồng tư vấn, đội ngũ trí thức, luật gia trên địa bàn đều được huy động tham gia. Bà Hà Thị Hạnh, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: “Các hình thức góp ý được áp dụng đa dạng, từ góp ý bằng văn bản (bản giấy hoặc thư điện tử), tham gia hội nghị, tọa đàm, đến góp ý trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan mặt trận. Các đơn vị tổ chức lấy ý kiến một cách dân chủ, công khai, thực chất, bảo đảm tiến độ và tiết kiệm, đồng thời tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong hệ thống, động viên đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân phát huy quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với đất nước”.

Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hoàng Mạnh Thắng, việc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là vấn đề cấp bách, khẩn trương, nhất là trong thời điểm Đảng, Nhà nước đang tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.
Các địa phương khác, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, vận động và tổ chức triển khai lấy ý kiến Nhân dân rộng rãi với hình thức đa dạng, thiết thực, dân chủ, công khai. “Việc sửa đổi Hiến pháp lần này là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, có ý nghĩa quan trọng trong việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Công tác tuyên truyền cần làm rõ mục đích, ý nghĩa, giới thiệu các nội dung sửa đổi, hướng dẫn người dân cách thức góp ý, đồng thời phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá”, ông Hoàng Mạnh Thắng đề nghị.