P.V: Từ thực tế sản xuất nhiều năm qua, giáo sư có đánh giá thế nào về hiệu quả của cây mắc ca tại Đắk Nông
GS-TS Nguyễn Lân Hùng: Tôi thực sự rất mừng. Bà con Đắk Nông đã trồng loại cây này từ nhiều năm trước. Qua khảo sát thực tế, nhiều người đã có thu nhập cao từ cây mắc ca. Có nhiều người thu tới 50-60 kg hạt mắc ca trên mỗi cây.
Năng suất như vậy là mức của thế giới rồi, đạt yêu cầu cao. Có nghĩa là ta có tiền đề để trồng mắc ca. Với đất Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng, mắc ca rất phù hợp.
Vùng trồng mắc ca phải có nhiệt độ đêm lạnh từ 17-18 độ C đạt tới 5 tuần thì cây mới ra hoa. Điều này ở Đắk Nông hoàn toàn đáp ứng được. So với Tây Bắc thì điều kiện này ở Tây Nguyên là tốt hơn nhiều. Và chúng tôi đã có những mô hình trồng ở đây rất tốt.
Chúng tôi cũng đang góp ý thêm cho bà con một số giải pháp để phát triển cây mắc ca theo hướng bền vững. Tôi cho rằng, Đắk Nông có điều kiện rất tốt để phát triển cây mắc ca ở quy mô lớn.
Đồ họa: Việt Dũng |
P.V: Thưa ông, một trong những vấn đề hiện nay mà nông dân quan tâm là chất lượng cây giống. Vậy trong thời gian tới, Hiệp hội mắc ca Việt Nam có những hỗ trợ gì cho nông dân về vấn đề này ?
GS-TS Nguyễn Lân Hùng: Phải nói là giai đoạn đầu có sự trục trặc. Một số doanh nghiệp mà chúng tôi nói vui là "làm giống dởm". Tức là họ không có nguồn cây mẹ. Họ đưa cây thực sinh vào làm giả cây giống, cho nên hỏng.
Hiệp hội mắc ca đã đầu tư kinh phí rất lớn để đầu tư vườn ươm giống lớn, lấy nguồn cây mẹ tốt để cung cấp giống. Và hiện nay, chúng tôi đã có cơ sở ở các tỉnh. Ngay tại Đắk Nông, chúng tôi đã có cơ sở do Hiệp hội mắc ca Việt Nam quản lý. Hiệp hội chịu trách nhiệm về vườn giống đó.
Nếu như vườn giống đó cung cấp giống cho bà con mà không tốt, sau 3-4 năm mà không ra quả, vườn giống đó phải đền cho bà con gấp 12 lần tiền giống ban đầu. Bà con nên tìm đến những nơi mà Hiệp hội đã giới thiệu để mua được cây giống bảo đảm.
P.V: Vậy thì vấn đề đầu ra cho sản phẩm mắc ca sẽ được giải quyết như thế nào trong thời gian tới, thưa giáo sư ?
GS-TS Nguyễn Lân Hùng: Lâu nay, bà con mình trồng nhiều cây lắm. Nhiều khi làm xong rồi không biết bán cho ai. Hiệp hội mắc ca Việt Nam khẳng định: Nếu như bà con trồng mắc ca không bán được, Hiệp hội cam kết thu mua với giá ít nhất bằng 85% giá của thế giới vào thời điểm đó.
Có thể nói nôm na là bà con không cần phải lo lắng về đầu ra. Thực tế nhiều năm qua, đầu ra của sản phẩm mắc ca hầu như chưa hề xảy ra trục trặc.
Cán bộ Hội Nông dân tỉnh và các địa phương thăm vườn mắc ca trồng hơn 10 năm của ông Vũ Xuân Ánh, tổ dân phố 5, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) |
P.V: Giáo sư đánh giá thế nào về thị trường mắc ca trên thế giới hiện nay và cũng như giai đoạn tới ?
GS-TS Nguyễn Lân Hùng: Hiện nay thế giới thì mắc ca là cây trồng mà người ta yêu cầu rất lớn. Thế nhưng, không phải nước nào cũng trồng được. Chỉ có khoảng 20 nước trên thế giới trồng được cây mắc ca.
Ngay nước Úc, nơi khởi xướng trồng loại cây này, nhưng người ta không mở rộng được diện tích. Trong lúc đó, chúng ta ở đây điều kiện rất tốt. Và chính Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, lúc đó là Thủ tướng Chính phủ, tại một hội nghị đã khẳng định, Việt Nam phải vươn lên đứng đầu thế giới về diện tích trồng mắc ca.
Cho nên, chúng tôi đang làm rất mạnh tại Sơn La, Lai Châu, Điện Biên... Cả nước mình hiện nay đã trồng được khoảng 20.000 ha mắc ca. Trong những năm tới, chúng tôi phấn đấu trồng 120.000 ha mắc ca trong cả nước.
Chúng tôi đã liên kết với Ngân hàng Liên Việt để hỗ trợ bà con về vốn. Chúng tôi có các chi nhánh ở tất cả các tỉnh, ở tất cả các điểm trồng mắc ca để giúp cho bà con về kỹ thuật.
P.V: Giáo sư có đánh giá gì về chất lượng hạt mắc ca trồng tại Đắk Nông
GS-TS Nguyễn Lân Hùng: Nói chung là mắc ca của Đắk Nông tốt lắm. Thậm chí, mắc ca trồng ở Đắk Nông nói riêng, một số địa phương trong nước nói chung có chất lượng còn tốt hơn cả mắc ca của Úc.
Thực tế, khi đoàn chuyên gia của Úc sang đây, họ cũng đánh giá rất cao chất lượng mắc ca của Việt Nam. Và chúng tôi phân tích ở trong phòng thí nghiệm thì thấy là mắc ca ở Việt Nam mình rất tốt.
Ở Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Sơn La..., chúng tôi phân tích rồi, chất lượng khá tương đồng. Chúng tôi hy vọng, đây sẽ là cây trồng có thể giúp bà con mình phát triển mạnh hơn.
P.V: Trân trọng cảm ơn giáo sư!