Đắk Nông chuyển đổi số trong quản lý, truyền tải điện
Nhằm bảo đảm việc cung ứng điện an toàn, ổn định, Truyền tải điện Đắk Nông đã đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS). Điều này từng bước khẳng định vai trò “xương sống” của toàn hệ thống điện ở Đắk Nông.
Thay thế lao động thủ công
Trước khi áp dụng CĐS, tại Trạm 500kV chủ yếu kiểm tra bằng thủ công. Trong kiểm tra định kỳ hằng tuần, thường phải có 2 nhân viên cầm bộ đàm, đi kiểm tra từng tủ, bảng.
Số liệu kiểm tra sẽ được ghi vào giấy. Sau khi kết thúc kiểm tra sẽ nhập vào trong máy tính bằng excel, rất tốn thời gian, công sức.
Theo ông Nguyễn Xuân Ngân, Phó Trưởng trạm 500kV, đầu năm 2022, đơn vị đã áp dụng CĐS thông qua các phần mềm như: kiểm tra thiết bị quản lý, thiết bị điện tử thông minh, kiểm tra bằng quét mã QR...
Khi kiểm tra sẽ dùng bằng ipad, máy tính bảng hoặc điện thoại đi quét thiết bị tại tủ, bảng. Số liệu kiểm tra sẽ được nhập thẳng lên phần mềm. Nhân viên kiểm tra không phải làm bất cứ công việc nào hay nhập lại số liệu.
Tại trạm hiện đã phủ sóng wifi, tiến tới vận hành các thiết bị thông minh, giám sát online từ xa như: giám sát nhiệt độ TU, giám sát dòng rò chống sét van, dùng flaycam nhiệt, ống nhòm, máy ảnh…
“Trạm đang tiến tới xây dựng phần mềm rô bốt kiểm tra thiết bị thay thế con người. Con người chỉ vận hành rô bốt đi kiểm tra thiết bị. Tất cả đều được giám sát qua camera”, ông Ngân chia sẻ.
Tại Trạm 200kV, việc CĐS giúp giảm đáng kể thời gian, thao tác cho công nhân. Đơn vị đã triển khai ứng dụng các phần mềm phục vụ kỹ thuật như: quản lý kỹ thuật PMIS; quản lý thí nghiệm; quản lý an toàn; thư viện điện tử EVNNPT…
Ông Trần Anh Tuấn, Tổ trưởng Tổ thao tác lưu động cho biết, trong thời gian tới, TBA sẽ hướng tới không người trực. Qua đó, toàn bộ máy móc, thiết bị tại trạm sẽ được quản lý, vận hành từ xa. Khi có sự cố sẽ được tiếp nhận và xử lý kịp thời.
Làm chủ thiết bị, công nghệ
Truyền tải điện Đắk Nông được giao vận hành 2 TBA, bao gồm: 1 TBA 500kV và 1 TBA 220kV. Đồng thời, quản lý vận hành 3 đường dây 500kV và 11 đường dây 220kV, qua địa bàn của 3 tỉnh: Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Phước.
Từ khi áp dụng CĐS, quá trình đi kiểm tra đường dây, công nhân đều kết hợp với kiểm tra thiết bị bay không người lái UAV, camera hành trình.
Việc dùng UAV để bay dọc theo các đường dây quay phim, chụp hình rất rõ nét, với độ phân giải cao, tin cậy, chính xác. Thiết bị có thể quan sát nhiều góc cạnh để phát hiện các khiếm khuyết, hư hỏng, bất thường.
Nếu như sử dụng bằng máy đo nhiệt độ bình thường thì trong 6 tháng phải đo hết trên 1.000 chuỗi cách điện. Nhưng có UAV cách nhiệt này, trong vòng 45-50 ngày, sẽ kiểm tra tầm soát được hết số lượng chuỗi cách điện trên tuyến.
Hiện tại, đơn vị đã áp dụng chế tạo được rô bốt tự động điều khiển ra, quấn tưa dây chống sét trên không. Nhờ đó nguy cơ mất an toàn được giảm tuyệt đối…
Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Giám đốc Truyền tải điện Đắk Nông cho biết, mục tiêu của đơn vị là phấn đấu 2/3 quân số phải sử dụng được thiết bị UAV đo nhiệt, phát nhiệt và kiểm tra vận hành trực tuyến đường dây.
100% cán bộ, công nhân viên phải sử dụng được các thiết bị đo chuyên dùng, phục vụ trong công tác quản lý vận hành. Đây sẽ là bước tiến mạnh mẽ của công tác CĐS tại đơn vị trong thời gian tới.