Đắk Nông đang tập trung chuẩn hóa chất lượng các loại nông sản để khơi thông thị trường, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Từ nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, với kỹ thuật canh tác lạc hậu, năng suất và giá trị thấp, đến nay, ngành Nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông đã phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì mức tăng trưởng khá và tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh.
Vùng sản xuất hồ tiêu tại xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song (Đắk Nông) hiện nay đã áp dụng quy trình sản xuất đạt chuẩn hữu cơ để bảo đảm điều kiện xuất khẩu.
Nhiều nông hộ và hợp tác xã (HTX) trong tỉnh đã phát huy lợi thế địa phương, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất theo các tiêu chuẩn được chứng nhận. Điển hình là gia đình ông Hồ Văn Hoan ở xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đã canh tác 3ha cà phê theo hướng bền vững.
Trong quá trình canh tác, ông Hoan áp dụng quy trình sản xuất cà phê hữu cơ. Khi thu hoạch, ông còn chú trọng thu hái cà phê với tỷ lệ quả chín cao, thực hiện xay ướt và phơi trên giàn lưới. Những thay đổi này đã giúp ông nâng cao chất lượng hạt cà phê.
Ông Hoan chia sẻ: “Trước đây, cà phê chủ yếu bán thô cho thương lái. Không biết sản phẩm mình làm ra sẽ đi về đâu hay được người tiêu dùng đánh giá thế nào. Bây giờ khác rồi, với cà phê đạt tiêu chuẩn chứng nhận, cà phê đặc sản chủ yếu được sản xuất theo đơn đặt hàng của người tiêu dùng”.
Còn gia đình ông Đặng Văn Dũng ở xã Tân Thành, huyện Krông Nô cũng đang kinh doanh 5ha cà phê. Trong niên vụ cà phê 2024, ông thu được hơn 20 tấn cà phê nhân.
Ông Dũng cho biết: “Những năm qua, tôi cùng bà con tham gia dự án sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi giá trị. Nhờ đó, sản phẩm làm ra được các đơn vị thu mua đánh giá cao vì vùng sản xuất cà phê xã Tân Thành phần lớn đã được chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế”.
Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 28.000ha cây trồng được tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn có chứng nhận như VietGAP, 4C, UTZ Certified, GlobalGAP, Organic...
Trong đó, 165 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tiêu biểu như: Xoài Đắk Gằn, sầu riêng Đức Mạnh, khoai lang Tuy Đức, lúa gạo Krông Nô...
Tỉnh cũng có 1 Chỉ dẫn địa lý “Hồ tiêu Đắk Nông” và 96 sản phẩm của 78 chủ thể được chứng nhận sản phẩm OCOP. Trong đó, 18 sản phẩm OCOP 4 sao và 78 sản phẩm 3 sao.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh Đắk Nông, cho biết: "Để sản phẩm nông nghiệp được chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn, tỉnh đã đẩy mạnh các phương thức sản xuất hợp tác, liên kết công tư giữa nông dân và doanh nghiệp".
Vừa qua, HĐND tỉnh Đắk Nông đã ban hành một số cơ chế, chính sách về thu hút và ưu đãi đầu tư. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đang kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ đầu ra, các nhà rang xay, chế biến, xuất khẩu thông qua các HTX và doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, giúp sản phẩm của nông dân, thông qua các HTX và doanh nghiệp nhỏ, được chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn khác nhau. Đây là tấm vé thông hành để nông sản Đắk Nông vươn ra thị trường.
“Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có một số chuỗi liên kết mang lại hiệu quả tích cực. Đó chính là câu chuyện liên kết để ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất theo đơn đặt hàng. Như vậy, người sản xuất cũng phải đáp ứng được các tiêu chí chất lượng của thị trường tiêu dùng”, ông Phạm Tuấn Anh nói thêm.
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp Đắk Nông đã tăng mạnh, từ hơn 2.400 tỷ đồng năm 2004 lên hơn 34.300 tỷ đồng năm 2023, tăng gấp 14 lần. Giá trị sản xuất trên mỗi ha đất nông nghiệp của tỉnh năm 2023 đạt 103 triệu đồng, tăng 89,99 triệu đồng so với năm 2004.