Đắk Nông chú trọng nguồn lực chăm lo sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số
Để bảo đảm quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỉnh Đắk Nông không ngừng xây dựng, hoàn thiện mạng lưới, cơ sở vật chất y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS.
Củng cố y tế cơ sở
Chăm lo sức khỏe cho người dân, nhất là với đồng bào DTTS, bên cạnh xây dựng, củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, tỉnh Đắk Nông đã có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, bảo đảm công bằng trong khám, chữa bệnh cho bà con.
Theo bác sĩ Trần Quang Hào, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đắk Nông, những năm qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp 7 trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố và mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bên cạnh đó, hệ thống các trạm y tế xã đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Ngoài nguồn ngân sách địa phương, nguồn vốn của Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Bộ Y tế đã dành một số dự án ODA đầu tư cho trạm y tế xã. Hiện nay toàn tỉnh có 68/71 trạm y tế xã đã được đầu tư xây dựng khang trang.
Các cơ sở khám, chữa bệnh đã bảo đảm cơ bản nhiệm vụ khám chữa bệnh theo phân tuyến và từng bước phát triển dịch vụ kỹ thuật cao nhằm nâng cao chất lượng, giúp đồng bào rút ngắn khoảng cách tiếp cận với y tế hiện đại.
Trạm y tế tuyến xã cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ khám, phân loại và điều trị các loại bệnh thông thường, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cơ bản của người dân, nhất là đồng bào DTTS. Ngành Y tế chú trọng thu hút các nguồn lực, y, bác sĩ giỏi để phát triển, mở rộng hơn nữa mạng lưới y tế cơ sở. Công tác xã hội hóa các hoạt động y tế được tăng cường, giúp người dân vùng DTTS có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, kỹ thuật cao, nâng cao sức khỏe…
Cấp thẻ bảo hiểm y tế
Để nâng cao tính công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, DTTS, tỉnh đã có các chính sách, giải pháp cụ thể. Trong đó, đồng bào DTTS thuộc vùng khó khăn được cấp thẻ BHYT miễn phí. Tính đến 31/3/2023, toàn tỉnh đã cấp 56.934 thẻ BHYT cho đồng bào DTTS, giúp bà con có thêm điều kiện tiếp cận với dịch vụ y tế, giảm chi phí khám chữa bệnh.
Việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cũng ngày càng thuận tiện hơn, giúp đồng bào có thêm lòng tin vào cơ sở y tế. Cụ thể, năm 2022 và quý 1/2023, toàn tỉnh có trên 100.000 lượt bệnh nhân là người DTTS khám chữa bệnh bằng BHYT.
Chị H’Hiên, bon Sanar, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) chia sẻ: “Có thẻ BHYT, người dân chúng tôi được hưởng các quyền lợi như được giảm các chi phí khi đi khám, chữa bệnh. Đối với các gia đình thuộc diện hộ nghèo như chúng tôi thì điều này là rất quý”.
Trong năm 2022, BHXH tỉnh Đắk Nông cũng đã vận động toàn thể công chức, viên chức và người lao động toàn ngành ủng hộ 1 ngày lương để mua 130 thẻ BHYT hỗ trợ đồng bào DTTS xã Đắk Wer (Đắk R’lấp). Ngoài ra, BHXH Đắk Nông đã vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ để mua hơn 1.000 thẻ BHYT, trị giá trên 2 tỷ đồng trao tặng cho đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh để bà con được chăm sóc sức khỏe khi bệnh tật.
BHXH tỉnh cũng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp ấn phẩm về BHYT hộ gia đình đến người dân vùng đồng bào DTTS phù hợp với nhận thức, phong tục, tập quán nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, tìm hiểu, trao đổi và nhận biết về quyền lợi khi tham gia BHYT.
Bà Võ Thị Ái Liễu, Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh: “BHXH Đắk Nông luôn xác định trách nhiệm của mình trong việc góp phần chăm lo sức khỏe cho đồng bào DTTS. Vì vậy, toàn ngành đã khắc phục, nỗ lực trong điều kiện có thể để ngày càng đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của đồng bào trên địa bàn tỉnh, thông qua việc cấp thẻ BHYT miễn phí”.
Giảm thiểu tình trạng tảo hôn
Ngày 11/11/2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 656 về triển khai thực hiện “Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn II)”. Thực hiện kế hoạch, đội ngũ làm công tác dân số đã tích cực tổ chức truyền thông, tư vấn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho người dân ở các vùng sâu, vùng xa, DTTS, với nhiều hình thức khác nhau.
Cụ thể, đến nay, toàn tỉnh xây dựng và duy trì 23 câu lạc bộ với 610 cộng tác viên tham gia công tác tuyên truyền, tư vấn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong năm 2022, trung tâm y tế các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, tư vấn vận động lồng ghép trong chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình tại cộng đồng được 130 buổi cho 3.131 người. Qua đó, nhận thức của đồng bào DTTS về giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được nâng lên. Trong năm 2022, toàn tỉnh thống kê được 74 cặp tảo hôn, không có cặp kết hôn cận huyết thống (giảm 4 cặp so với năm 2021).
Nhờ được cán bộ y tế xã và chính quyền tuyên truyền, vận động về tác hại, ảnh hưởng sức khỏe đối với những gia đình tảo hôn hay hôn nhân cận huyết nên chúng tôi đã hiểu để chăm sóc và giáo dục con trẻ phù hợp”
Chị Thị Hồng, bon Bu Koh, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức)
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục DSKHHGĐ tỉnh Đắk Nông, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra chủ yếu tại vùng đồng bào DTTS. Vì vậy, ngành dân số chú trọng đến việc tuyển chọn đội ngũ cộng tác viên dân số là người DTTS để không bất đồng ngôn ngữ, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động.
Cùng với duy trì và đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp của đội ngũ nhân viên y tế thôn, bon, bản, ngành cũng định kỳ bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng truyền thông để tạo điều kiện thuận lợi cho họ thực hiện truyền thông, tư vấn có hiệu quả tại hộ gia đình.
Với sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng cao. Đây là cơ sở để Đắk Nông tiếp tục tập trung các nguồn lực, triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng trong tình hình mới.