Đắk Nông chủ động phòng, chống thiên tai mùa mưa 2024
Mùa mưa năm 2024 được nhận định nguy cơ cao xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, cần đề cao cảnh giác, phòng ngừa.
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Nông, từ tháng 5-10/2024, Đắk Nông bước vào mùa mưa.
Thời tiết vừa trải qua những ngày nắng nóng cao khi chuyển mưa rất dễ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, sét, mưa đá...
Đợt mưa ngày 15 và 16/6 vừa qua đã làm cho nhiều hộ dân trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng. Qua ghi nhận của phóng viên, nhiều diện tích cây sầu riêng của bà con ở các địa bàn như TP. Gia Nghĩa, Đắk Song bị mưa lớn kèm lốc làm bật gốc, gãy cành, rụng quả.
Theo ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND xã Đắk R'moan, có hơn 20 tấn sầu riêng của người dân hai thôn trên địa bàn bị rụng trái. Ngoài ra, có khoảng 700 cây cao su của người dân bị gãy đổ, bật gốc do dông lốc.
Gia đình ông Nguyễn Thanh Hùng, thôn Tân Phương, xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa có hơn 1ha sầu riêng. Đợt mưa lớn kèm lốc vừa qua, toàn bộ vườn sầu riêng của ông bị rụng trái trên 50%. Ông ước thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.
Ông Hùng khẳng định: “Gia đình ông đã sinh sống, trồng cây nông nghiệp tại địa phương hơn 20 năm nay. Chưa bao giờ ông gặp các hiện tượng thời tiết cực đoan với mức độ lớn, gây hậu quả nặng nề như năm nay.”
Còn ông Nguyễn Thanh Thông, cũng ở thôn Tân Phương, xã Đắk R'moan cho biết, trận dông lốc tối 15/6 khiến vườn sầu riêng của gia đình ông bị rụng khoảng 3 tấn trái. Số sầu riêng trên đã chuẩn bị cho thu hoạch, ước tính thiệt hại hơn 200 triệu đồng.
Theo ông Thông, thực tế, ông có nắm bắt những bất thường của thời tiết năm 2024 nhưng cũng không ngờ là giông, lốc lớn đến vậy.
Chính vì thế, có nhiều cây sầu riêng ông vẫn chưa thể dùng dây để buộc trái, buộc cành. Khi có lốc xảy ra, thiệt hại của gia đình là rất lớn không chỉ ở vụ này mà còn ảnh hưởng các vụ sau.
Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống các hiện tượng thời tiết nguy hiểm.
Nhưng thực tế vẫn còn sự chủ quan, lơ là của một số chính quyền địa phương, người dân trong phòng, chống, giảm thiểu ảnh hưởng của thiên tai. Tâm lý chủ quan, lơ là vẫn còn nhiều. Chính vì thế, hàng năm vẫn xảy ra thiệt hại về người và tài sản do thiên tai.
Trước những nguy cơ cao của thiên tai trong năm 2024, các cấp, ngành, người dân cần nêu cao tinh thần chủ động phòng, ngừa, nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm.
Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do các hình thái thời tiết nguy hiểm có thể xảy ra, UBND tỉnh vừa có văn bản gửi đến các địa phương về việc chủ động ứng phó các hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm trong mùa mưa.
UBND tỉnh đề nghị các đơn vị có liên quan, các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân chủ động phòng, tránh.
Các cấp, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chằng chống nhà cửa, đề phòng dông, lốc xoáy gây sập, tốc mái. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Các cấp, ngành bố trí lực lượng xung kích, vật tư phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân và tổ chức khắc phục hậu quả được nhanh chóng, kịp thời hiệu quả.
Năm 2023, thiệt hại do thiên tai gây ra ở Đắk Nông khoảng 1.050 tỷ đồng. Tổng cộng có 275 căn nhà bị ảnh hưởng; thiệt hại 704ha cây trồng, 234ha nuôi thủy sản, 1.014 con gia súc, gia cầm. Mưa lũ đã làm ảnh hưởng nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học... trên địa bàn tỉnh.