Y tế - Sức khỏe

Đắk Nông chủ động phòng chống dịch thủy đậu

Ngô Đồng 16/03/2023 06:12

Hiện nay, dịch bệnh thủy đậu đã xuất hiện và bùng phát thành ổ dịch ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Chặn ổ dịch ở xã Trường Xuân

Cách đây hơn 10 ngày, cháu B.M.P (SN 2018) trú thôn 10, Nâm N’Jang (Đắk Song) hiện đang học tại Trường mầm non Hoa Hồng, xã Trường Xuân (Đắk Song) xuất hiện triệu chứng sốt, sau đó xuất hiện nổi bọng nước theo trình tự ở bụng, lưng, mặt, chân, tay. Gia đình đưa cháu đi khám và được chẩn đoán mắc thủy đậu. Theo chị Bàn Mùi Chơi, mẹ cháu B.M.P, cháu P có tiếp xúc với bạn cùng lớp có triệu chứng giống bệnh thủy đậu. P chưa được tiêm vắc xin phòng thủy đậu.

Ngay sau khi phát hiện ca bệnh, Trung tâm Y tế huyện Đắk Song đã chủ động báo cáo, chỉ đạo, cử nhân viên y tế phối hợp với Trạm Y tế xã Trường Xuân và xã Nâm N'Jang, Trường mầm non Hoa Hồng khẩn trương khám, điều tra, xác minh dịch tại lớp học, nhà các trẻ có triệu chứng mắc bệnh. Qua đó, đã phát hiện 14 ca có triệu chứng lâm sàng của thủy đậu. Hiện các trẻ mắc bệnh được yêu cầu điều trị và cách ly tại nhà theo quy định. Đối với các trẻ tiếp xúc các ca mắc được tư vấn tự cách ly, hạn chế tiếp xúc để theo dõi sức khỏe.

Ông Y Phi, Phó Trạm trưởng, Trạm Y tế xã Trường Xuân cho biết, ngay sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên mắc thủy đậu tại ổ dịch Trường mầm non Hoa Hồng, đơn vị chủ động phối hợp với Trung tâm Y tế huyện đến trường và nhà ở của trẻ để khám, kiểm tra, xác minh thông tin, yếu tố dịch tễ.

“Rất may sau gần 10 ngày, kể từ ngày phát hiện, triển khai các biện pháp dịch tễ, trên địa bàn xã không ghi nhận thêm các ca mắc mới nào”, ông Y Phi cho biết.

thuy-dau(1).jpg
Một trường hợp mắc thủy đậu đang được theo dõi, điều trị tại nhà

Còn theo cô Nguyễn Thị Vẽ, giáo viên Trường mầm non Hoa Hồng, ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, nhà trường đã báo cho trạm y tế xã để kịp thời có hướng dẫn, khuyến cáo phụ huynh không cho trẻ tới trường, đồng thời đưa đến khám bệnh tại cơ sở y tế để được theo dõi và chăm sóc sức khỏe. Trường tiến hành phun khử khuẩn, vệ sinh các lớp học, đồ chơi, giường ngủ, chăn màn cho học sinh; tổ chức ra chơi theo từng khung giờ cho các lớp nhằm tránh tình trạng lây chéo.

Tiêm vắc xin để ngừa bệnh thủy đậu

Theo bác sĩ Nguyễn Ly Sắc, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, huyện Đắk Song hiện ghi nhận 40 ca mắc thủy đậu. Ngay sau khi nhận thông tin về các ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với y tế cơ sở, chính quyền địa phương điều tra truy vết, hướng dẫn cơ sở phun Chloramin B khử khuẩn tại nhà bệnh nhân, trường mẫu giáo...

Tiêm chủng ngừa vắc xin thủy đậu là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất. Trẻ 1-12 tuổi cần được tiêm một liều vắc xin để ngừa thủy đậu. Từ 13 tuổi trở lên cần được tiêm hai liều để hiệu quả phòng bệnh. Phụ nữ có kế hoạch sinh con cần tiêm vắc xin ngừa thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng.

thuy-dau-(1).jpg
Trường Mầm non Hoa Hồng chủ động vệ sinh đồ chơi cho học sinh

Bác sĩ Nguyễn Ly Sắc cho biết, vi rút gây bệnh thủy đậu được xếp vào nhóm vi rút lây lan mạnh. Nếu chưa tiêm vắc xin và tiếp xúc với người mắc bệnh thì khả năng mắc bệnh rất cao. Khi có ca bệnh nghi ngờ thủy đậu cần tiến hành cách ly, xử lý theo quy trình, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa xảy ra biến chứng, không để tử vong.

"Người dân nên hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện, để tránh lây lan cho những người xung quanh. Người dân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt cũng cần được vệ sinh bằng các chất sát khuẩn thông thường. Quan trọng nhất, các bậc cha mẹ cần tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi", bác sĩ Sắc khuyến cáo.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông chủ động phòng chống dịch thủy đậu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO