Đắk Nông chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu
Tiêm vắc xin phòng bệnh, thực hiện tốt vệ sinh môi trường sống, ăn chín, uống sôi... là những biện pháp hữu hiệu nhằm chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tại tỉnh Nghệ An và Bắc Giang đã ghi nhận các ca dương tính và tử vong vì bệnh bạch hầu. Trước diễn biến nguy hiểm của bệnh dịch, ngành Y tế tỉnh Đắk Nông đã và đang chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu từ sớm, từ xa. Bởi cách đây mấy năm, dịch bệnh bạch hầu đã xuất hiện ở Đắk Nông với "tâm dịch" xã Quảng Hòa và Đắk R'măng, huyện Đắk Glong.
Tại Công văn số 4335/UBND-KGVX, ngày 24/7/2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch và điều trị kịp thời, bảo đảm theo yêu cầu.
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành Y tế hướng dẫn, tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh bạch hầu tại các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ. Các ngành, địa phương phối hợp xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; thực hiện tốt truyền thông học đường về phòng, chống dịch bệnh bạch hầu và tiêm vắc xin phòng bệnh.
Thông qua thông tin và nhận thức sự nguy hiểm của bệnh bạch hầu, bà Trần Thị Thắm, xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa đã cùng chồng đến cơ sở tiêm chủng để được nhân viên y tế tư vấn và tiêm vắc xin phòng bạch hầu. “Để phòng ngừa bệnh bạch hầu, 2 vợ chồng tôi đã quyết định đi tiêm vắc xin. Các con tôi hiện đang làm việc tại tỉnh khác nhưng tôi cũng vận động các con đi tiêm để bảo vệ sức khỏe”, bà Thắm cho biết.
Cùng chung nỗi lo, chị Mai Thị Bích Ngọc, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa đưa con tới cơ sở tiêm chủng để được tư vấn, tiêm vắc xin phòng bạch hầu. Được biết, trẻ em dưới 5 tuổi là một trong những đối tượng có nguy cơ cao dễ mắc bệnh bạch hầu, trong khi con chị Mai hiện nay được 17 tháng tuổi nên chị Mai chủ động tiêm phòng cho con. “Được các nhân viên y tế tư vấn vắc xin phòng bệnh bạch hầu đã có trong mũi 5 trong 1 dành cho trẻ em nên tôi an tâm hơn rất nhiều”, chị Mai chia sẻ.
Tính đến tháng 7/2024, trên địa bàn toàn tỉnh đã tiêm hơn 28.650/41.832 liều vắc xin SII và 27.600/42.160 liều vắc xin DPT phòng bệnh bạch hầu.
Theo ông Nguyễn Ly Sắc, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm -Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, sau khi khống chế thành công bệnh bạch hầu xảy ra tại 2 ổ dịch xã Quảng Hòa và Đắk R’măng, huyện Đắk Glong vào tháng 6/2020, đến nay tỉnh Đắk Nông chưa ghi nhận ca nhiễm bệnh mới nào. Mặc dù bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được kiểm soát nhưng người dân không vì thế mà chủ quan, cần triển khai các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, tránh dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bất cứ người nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị lây nhiễm, nhất là trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có khả năng miễn dịch thấp.
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn. Bệnh bạch hầu có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Trung bình, sau khi hít phải vi khuẩn 2-5 ngày, người sẽ phát bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm các vắc xin đầy đủ, đúng lịch. Người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh...
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, người bệnh cần phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời. Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định, khuyến cáo của cơ quan y tế.