Đắk Nông chất vấn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định không gây mất rừng của Ủy ban Châu Âu
Sáng 21/8, tại Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp.
Ông Dương Khắc Mai, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, cùng các ĐBQH tỉnh, các sở, ngành dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông.
Trong buổi sáng, Quốc hội đã tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; văn hóa, thể thao và du lịch.
Với tinh thần cởi mở, trách nhiệm và thẳng thắn, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến những vấn đề “nóng” hiện cử tri, Nhân dân quan tâm.
Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, đại biểu quan tâm, chất vấn về giải pháp đẩy mạnh đào tạo các bộ môn nghệ thuật; bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, phát triển du lịch bền vững…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều đại biểu quan tâm chất vấn về các giải pháp gia tăng giá trị sản xuất lúa; nâng cao chất lượng sản xuất và tiêu thụ nông sản; bảo vệ và nâng cao giá trị thương hiệu nông sản…
Ở lĩnh vực công thương, đại biểu tập trung chất vấn các vấn đề về giải pháp phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng...
Tham gia chất vấn từ điểm cầu tỉnh Đắk Nông, đại biểu Dương Khắc Mai, TUV, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ các giải pháp ứng phó với quy định không gây mất rừng của Ủy ban Châu Âu khi EUDR sắp có hiệu lực vào tháng 12/2024.
Trả lời chất vấn đại biểu Dương Khắc Mai, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thông tin, hiện nay các sản phẩm theo quy định của EUDR gồm: cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ nếu truy xuất nguồn gốc là vi phạm sẽ không được nhập khẩu vào Châu Âu. Bộ đang cùng các bộ, ngành liên quan phối hợp với đại diện các cơ quan EUDR, các chuyên gia tư vấn để làm rõ hơn thế nào là rừng bị phá, thế nào là vi phạm về rừng và những thủ tục, yêu cầu, giấy phép liên quan...
Bộ đã tập huấn cho các địa phương những vấn đề, quy định ban đầu. Bộ đang tích cực làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp khác để làm rõ các vấn đề liên quan trước khi quy định của EUDR có hiệu lực vào tháng 12/2024.